Vạch mặt thần y chữa bách bệnh bằng mát xa

Đang là một anh thợ mộc, phút chốc Hoàng Văn Viện bỗng xoay sang tuyên bố hành nghề bốc thuốc. Một đồn mười, mười đồn một trăm..., những câu chuyện đồn đại về vị "thần y" ở xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) được chính những người dân địa phương thả sức tô vẽ...

Theo đó, từ những bệnh như đau lưng, nổi hạch, nôn khan cho tới tai biến mạch máu não, thậm chí câm điếc bẩm sinh, hễ tìm đến nhờ "lương y" Viện mát-xa cho là chắc khỏi… Nắm bắt được thông tin này, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã vào cuộc tìm hiểu sự thật.
 
Mục sở thị liệu pháp chữa bách bệnh của "thần y"
 

Trong vai người bệnh đi cầu thuốc, chúng tôi tìm đến xóm Cả, xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). Chẳng mất nhiều thời gian để tìm đường, sau 5 phút đặt chân tới xã Mỹ Thái, chúng tôi đã được người dân xung quanh chỉ đến căn nhà cấp bốn lụp xụp của "thần y" Hoàng Văn Viện. Vừa vào tới cổng, cảnh người xếp hàng vòng trong vòng ngoài đã chật ních cả căn phòng. Một số khác, tranh thủ đánh cờ ngay ngoài hè bởi "thần y" đang nghỉ trưa, chưa tới giờ làm việc.
 
Lại gần một bà cụ đang ngồi trên đầu chiếc giường ọp ẹp được kê lại bằng những ván gỗ nhỏ, tôi gạn hỏi thì được bà cho biết: Bà là Nguyễn Thị Đ. (72 tuổi), ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang). Hôm nay là ngày cuối cùng trong "phác đồ" 16 ngày điều trị bệnh của bà mà "thầy" Viện đưa ra. Trước đó, tháng 10/2012, do tuổi cao lại làm việc nặng, nên bà Đ. bị đau lưng. Nghe một số người giới thiệu, bà liền tìm đến nhờ "thần y" chữa trị. Song quá trình điều trị theo hướng dẫn của "thầy" mới hoàn thành 80% thời gian thì phải tạm dừng do "thần y" bận… nghỉ Tết. Thời gian vừa rồi (tháng 5/2013), do đau quá không chịu được, bà lại lặn lội đến cậy nhờ "thầy". Khi đề cập đến việc tiến triển của bệnh tình, bà Đ. tâm sự: "Có bệnh thì vái tứ phương, chứ thực sự đây là lần thứ 2 tôi quay lại nhờ "thần y" chữa, nhưng vẫn không ăn thua, đâu vẫn hoàn đó. Người bây giờ còn mệt hơn cả trước khi đến đây điều trị".

Vạch mặt thần y chữa bách bệnh bằng mát xa - 1

"Thần y" đang dùng liệu pháp của mình chữa trị cho một bệnh nhân. Ảnh: Gia Nguyễn

Theo quan sát của nhóm PV, căn phòng nơi "thần y" Viện hành nghề chưa đầy 20m2 nhưng người nêm chặt cứng, đồ đạc xung quanh vô cùng sơ sài và ọp ẹp, tường vôi nứt nẻ, vài ba miếng đã bong tróc trơ cả lớp gạch phía trong. Ngoài chiếc giường để điều trị cho bệnh nhân và bộ bàn ghế cũ thì hầu như chẳng còn thứ gì đáng giá. Đúng 14h, một người đàn ông trung tuổi với vẻ mặt khoan khoái bước ra từ phía cửa buồng (nơi nối thông căn phòng điều trị bệnh với một căn phòng khác - PV) lại gần ban thờ thắp nén nhang rồi lẩm nhẩm khấn bái gì đó. Một số người bệnh đang ngồi chờ cạnh tôi cho hay: Đó là "thần y" Hoàng Văn Viện sau giờ nghỉ trưa ra thắp nhang, bắt đầu làm việc buổi chiều.
 
Bệnh nhân đầu tiên, chính là bà cụ Đ, người từ nãy vẫn ngồi trên giường giữ chỗ. Lại gần bà cụ thì thào dăm ba điều, "thần y" bắt đầu liệu pháp. Đầu tiên là mát-xa vùng trán, day day hai bên thái dương của con bệnh rồi vuốt nhẹ hai tay hai bên về giữa trán, rồi tiếp sau đó tiến tới vùng gáy, một tay đỡ cổ con bệnh hơi nghểnh lên một tay bóp bóp... Qua gáy, tiếp tục đến lưng, sau một vài cái xoa xoa, vuốt vuốt vị "thần y" dùng lực hai bàn tay đẩy lưng con bệnh đánh khục một cái. Tiếp đến “thầy” mát-xa đến tay và chân. Toàn bộ thời gian điều trị chỉ kéo dài chừng 8 - 10 phút, "thần y" giục con bệnh đứng dậy đến phiên người khác vào, chẳng cần biết con bệnh sau khi điều trị có còn đủ sức để tự mình đứng lên hay không.

Đang đứng trước ban thờ quan sát, tôi bị một bệnh nhân mới đến từ phía ngoài cửa vội vã bước vào, gạt sang bên, vội vàng đặt tiền lên hai ban thờ để xếp hàng. Hỏi ra mới biết, đây là bệnh nhân mới đến từ xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang), mắc bệnh nôn khan từ năm 2005, dù đã đến nhiều bệnh viện trung ương và địa phương điều trị nhưng không khỏi. Nghe tin "thần y" Hoàng Văn Viện có khả năng điều trị bách bệnh, chị vội vã tìm đến đây nhờ trị bệnh giúp. Đặt lễ xong quay ra, chị cũng không quên nhắc người đi cùng mình đặt lễ lên ban thờ để xếp hàng chờ đến lượt.

Thấy một người đàn ông đang ngồi chờ với vẻ trầm tư, không nói không rằng, tôi lại gần lân la hỏi chuyện, thì được người nhà của anh cho biết: Anh tên là Sơn đến tìm "thần y" để trị bệnh câm bẩm sinh của mình được hơn 10 ngày nay. Thế nhưng ngoài biện pháp mát xa, thì "thần y" hầu như không được dùng bất cứ một loại thuốc nào. Gia đình rất sốt ruột muốn hỏi tiến triển bệnh tình của anh Sơn nhưng không dám, vì e sợ "thần y" phật lòng sẽ không chịu chữa trị cho nữa.

Không chỉ anh Sơn, theo ghi nhận của nhóm PV, hầu hết các bệnh nhân khi tìm đến chữa trị tại nhà "thần y" Viện đều được ông này dùng chung duy nhất một liệu pháp điều trị là mát-xa. Chẳng cần khám hay bắt mạch kê đơn, cứ có bệnh tìm đến, "thần y" lập tức mát-xa từ trên xuống dưới...

Vạch mặt thần y chữa bách bệnh bằng mát xa - 2

Tưởng trị được bách bệnh, người có tật bẩm sinh vẫn tìm đến "thần y". Ảnh: Gia Nguyễn.

Những hậu quả từ niềm tin "thần y" có thể chữa bách bệnh

Tin đồn về "thần y" có khả năng chữa bách bệnh "miễn phí" chỉ bằng liệu pháp mát-xa đã lan truyền đi khắp mọi nơi, từ những người trong làng trong xã biết truyền tai nhau, cho tới cả những người ở xã khác, huyện khác cũng lũ lượt tìm đến để được "thần y" cao tay trị bệnh giúp. Trái ngược với những mong mỏi và kỳ vọng của bệnh nhân, sau khi được điều trị dưới bàn tay và liệu pháp của "thần y", nhiều con bệnh, bệnh tình không thuyên giảm mà lại còn nguy kịch hơn.

Bấm huyệt chỉ có tác dụng phục hồi chức năng sau tai biến

Ông Nguyễn Hữu Thanh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Lạng Giang cho biết: Trong Đông y có phương pháp chữa bệnh bằng bấm huyệt nhưng chỉ được áp dụng đối với những trường hợp phục hồi chức năng như sau tai biến mạch máu não, tai nạn… và được áp dụng song hành với các biện pháp điều trị khác. Riêng trường hợp bị câm bẩm sinh, nổi hạch thì phương pháp điều trị này không có tác dụng... Và người làm nghề này phải có bằng chuyên môn và chứng nhận hành nghề y dược tư nhân mới được phép hoạt động.

Chị H., một tín đồ từng mụ mị, cả tin vào khả năng chữa bách bệnh của "thần y" Hoàng Văn Viện, ngụ tại xã Tân Yên (Việt Yên, Bắc Giang) cho biết: "Đầu tháng 3/2012 vừa qua, tự nhiên tôi mắc chứng nôn khan. Thấy người trong làng mách là ở bên xã Mỹ Thái, huyện Lạng Giang (cách nhà H, 13 km - PV) có một "thần y" chữa bách bệnh bằng liệu pháp mát-xa, tôi tò mò tìm đến nơi, rồi nán lại theo "thầy" trị bệnh. Mỗi lần điều trị kéo dài 10 phút, sau gần 2 tháng, bệnh tình chẳng những không cải thiện chút nào mà còn xuất hiện một số biểu hiện khác như: đau lưng, tức ngực, khó thở... ".

Chị H. cũng cho hay: "Nói là chữa bệnh miễn phí nhưng thực chất, mỗi người dân khi đến nhà ông Viện chữa bệnh, trước khi xếp hàng phải mang tiền ra đặt lễ tại ban thờ trong nhà. Thường thì mỗi lần đặt lễ xếp hàng là 10.000 đồng, nhưng muốn được "thần y" chữa trị sớm, phần lớn mọi người phải đặt nhiều hơn. Mỗi ngày, có tới cả trăm người đổ về nhà ông Viện để xin chữa bệnh, số tiền đặt lên ban thờ tùy tâm từng người cộng lại cũng lên tới con số cả triệu đồng".

Trên thực tế, không chỉ mình bệnh nhân H., một người từ huyện lân cận, mới cả tin, mụ mị tin theo cách chữa bệnh nhảm nhí của "thần y", mà ngay đến cả những người dân cùng xã Mỹ Thái, cùng huyện Lạng Giang (Bắc Giang) cũng đã từng trở thành nạn nhân dưới đôi bàn tay của "thần y" Hoàng Văn Viện. Bà Thảo, một người dân cũng ở trong xã Mỹ Thái tâm sự: "Do bị đau kèm theo tức ngực, tôi đến nhờ "thần y" điều trị. Song không những không khỏi bệnh, mà "thần y" còn làm cho tôi gãy cả 3 cái xương sườn, phải ra bệnh viện ngoài Hà Nội nằm điều trị cả tháng. Đúng là tiền mất tật mang". Cũng theo bà Thảo, cùng trong đợt tới nhà "thần y" xin chữa trị với bà có anh Chiến ở xã Phi Mô (Lạng Giang) đã bị “thần y” này làm đứt tĩnh mạch, khiến gia đình phải khẩn cấp đưa xuống Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị.
Mục sở thị cách điều trị "trăm người như một" của "thần y" Hoàng Văn Viện, đồng thời tìm hiểu những trường hợp chữa bệnh tại đây rồi rước thêm họa vào người, chúng tôi thực sự thấy bất bình. Tâm lý "Có bệnh thì vái tứ phương" vốn đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân, nhưng hơn lúc nào hết ngay từ bây giờ, người bệnh cần phải tỉnh táo hơn trong việc tìm thầy tìm thuốc để không còn sa chân vào những mánh "bịp bợm", kiếm tiền bất chính của "lang băm" dán mác "thần y".

"Thần y" dỏm thách thức cơ quan chức năng
 
Hoạt động chữa bệnh trái phép của "thần y" Hoàng Văn Viện đã kéo dài suốt từ cuối năm 2011, khiến dư luận bức xúc và không ít bệnh nhân trót đến "gõ cửa" ông này "tiền mất, tật mang". Chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần vào cuộc, nhưng với thái độ ngoan cố và "cái mác" chữa bệnh "miễn phí" nên không cần bằng cấp, đến nay, Hoàng Văn Viện vẫn tiếp tục dùng liệu pháp mát-xa chữa… bách bệnh.

Chúng tôi không khỏi bàng hoàng, sửng sốt, khi những người hàng xóm xung quanh cho biết: ông Hoàng Văn Viện vốn xuất thân từ một anh thợ mộc. Quanh năm quần quật với nghề, nhưng cảnh sống của gia đình Viện trước đây vẫn khó khăn chồng chất. Có lẽ vì túng quẫn, nên sau một thời gian, Viện bỏ nghề mộc theo một thầy lang vườn ở Lạng Sơn. Cuối năm 2011, vị "thần y" trở về làng và bắt đầu chuyển hẳn sang nghề chữa bệnh "miễn phí" cho người dân.

"Thời gian đầu, những người hàng xóm xung quanh tò mò tìm đến ông Viện xin chữa bệnh, nhưng sau đó ai cũng biết khả năng của Viện, nên số người quanh làng tìm đến ông chữa trị ngày một ít. Hiện tại, hầu như bệnh nhân tìm đến ông Viện đều là những người dân ở các xã và huyện lân cận vì tò mò, cả tin", một người dân ở xã Mỹ Thái cho hay.

Trao đổi cùng PV báo GĐ&XH Cuối tuần, ông Hoàng Văn Tân, Trưởng Công an xã Mỹ Thái, cho biết: "Công an xã và chính quyền địa phương đã nghe thông tin phản ánh về việc chữa bệnh của ông Hoàng Văn Viện và cũng đã kiểm tra. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đến, ông Viện lấy lý do chữa bệnh "miễn phí" nên không cần giấy phép hành nghề y dược tư nhân, khiến cơ quan chức năng không thể xử lý".

Ông Tân cũng xác nhận hoàn cảnh gia đình ông Hoàng Văn Viện, có vợ và hai con trai. Trước đây, ông Viện làm nghề mộc, kinh tế gia đình khá khó khăn. Ông Viện bắt đầu điều trị bệnh "miễn phí" tại nhà từ cuối năm 2011. Thời gian đầu, chỉ có lác đác một vài người đến điều trị, sau đó số lượng tăng dần. Trao đổi về vụ việc một số nạn nhân mà PV đã phản ánh, ông Tân cho biết thêm: "Cơ quan chức năng cũng đã tìm hiểu, có một số trường hợp bệnh nhân đã từng phải mất thời gian, tiền bạc và cả sức khỏe do điều trị bằng phương pháp của "thần y" Hoàng Văn Viện. Trong đó, trường hợp của bà Thảo, cùng ở xã Mỹ Thái, do bị đau kèm theo tức ngực, đến nhờ "thần y" điều trị, song không những không khỏi bệnh mà "thần y" còn làm bà gãy 3 xương sườn, phải ra Hà Nội điều trị cả tháng. Hay trường hợp anh Chiến ở xã Phi Mô (Lạng Giang) bị "thần y" làm đứt tĩnh mạch, phải đi Bệnh viện Bạch Mai điều trị mất hơn 10 triệu đồng".

Cùng chung ý kiến với ông Tân, Trưởng Công an xã Mỹ Thái, ông Hoàng Văn Liệu, Trưởng trạm Y tế xã cũng cho hay: "Việc hành nghề y dược tư nhân đều do chính quyền xã quản lý, ông Hoàng Văn Viện không hề có giấy phép hành nghề. Xã đã nhiều lần xuống kiểm tra, nhắc nhở nhưng ông Viện ngoan cố, từ chối không làm việc với chính quyền. Ủy ban Nhân dân xã cũng đã làm tờ trình xin sự phối hợp của cấp cao hơn và đang chờ xét duyệt". Ông Nguyễn Văn Vích, Trưởng Phòng Y tế huyện Lạng Giang thì khẳng định: "Không có giấy phép dứt khoát không được hành nghề chữa bệnh".

Trước vụ việc trên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần phải khẩn trương vào cuộc rà soát, dẹp bỏ những điểm kinh doanh hành nghề không có giấy phép (cụ thể là trường hợp của ông Hoàng Văn Viện tại xóm Cả, xã Mỹ Thái). Để những người dân nhẹ dạ, cả tin không còn phải chịu cảnh "tiền mất, tật mang" như hiện nay nữa.


Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Gia Nguyễn - Gia Thỏa (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN