Vạch mặt nguyên nhân gây tự tử
Điều kiện sống của con người ngày càng tốt, song tỷ lệ quyên sinh lại có chiều hướng tăng.
Mặc dù điều kiện sống của con người ngày càng được cải thiện, song tỷ lệ quyên sinh lại không giảm mà có chiều hướng tăng nhanh. Ðặc biệt, nó lại tập trung ở một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ... và là xu thế rất đặc thù gây đau đầu cho các nhà khoa học và giới tâm lý.
Quyên sinh và những con số giật mình
Theo số liệu của Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), riêng năm 2009 ở Mỹ đã có 37.000 vụ quyên sinh, 633.000 người có ý định quyên sinh không thành phải đi cấp cứu. Thậm chí, tỷ lệ quyên sinh còn vượt cả số ca tử vong vì tai nạn giao thông và trở thành nguy cơ gây tử vong cao nhất liên quan đến tổn thương do chính con người gây ra.
Tại Mỹ, từ năm 2000-2009, tỷ lệ quyên sinh dẫn đến chết tăng 15%, trong khi đó tỷ lệ tử vong vì tai nạn giao thông lại giảm tới 25%. Trong số những ca quyên sinh thành công có nạn nhân nhảy từ trên cao xuống, nhảy cầu hoặc uống thuốc tự tử. Ở Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 290.000 người tìm đến cái chết, 2 triệu người có ý định quyên sinh và 70% là do mắc bệnh trầm cảm. Tại Nhật Bản, kể từ năm 1998 đến nay, mỗi năm quốc gia này có trên 30.000 người tìm đến với quyên sinh, như vậy trung bình mỗi ngày có khoảng 11 người chết, chính vì vậy mà quyên sinh ở Nhật Bản được xem là quốc nạn, còn ở Hàn Quốc thì được xem là nơi có số người nhảy cầu tự tử cao nhất. Theo số liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc, tỷ lệ tự tử ở nước này năm 2006, 2008 và 2010 lần lượt là 21,8; 26,0 và 31,2/100.000 người.
Viêm nhiễm - Thủ phạm tăng tỷ lệ quyên sinh?
Theo các nhà khoa học, viêm nhiễm được xem là một trong những vấn đề nóng của y học hiện đại bởi nó là cội nguồn của nhiều chứng bệnh nan y và cũng là căn bệnh đi từ nhiều nguồn gốc khác nhau, gây viêm nhiễm, mạn tính tác động trực tiếp đến hệ miễn dịch, thậm chí nó có thể gây ra những căn bệnh nan y như ung thư, tim mạch, bệnh thần kinh và cuối cùng hành hạ, làm cho người ta chán sống, dẫn đến quyên sinh.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia ĐH Michigan Mỹ (MSU) ở 100 bệnh nhân người Thụy Sỹ cho thấy, những ai có hàm lượng acid quinolinic trong dịch cột sống cao là nhóm người có tỷ lệ mắc bệnh thần kinh cao nhất. Acid quinolinic là sản phẩm hay còn gọi là hợp chất do quá trình viêm nhiễm tạo ra, tác động trực tiếp đến não bộ, vì nó có những tính năng giống như các chất truyền dẫn thần kinh có tên là neurotransmitter glutamite, rất khó phát hiện.
2/3 số người tham gia thử nghiệm đều phải nằm viện điều trị và có ý định quyên sinh, số còn lại khỏe mạnh. Kết quả số lượng acid quinolinic có trong cột sống càng nhiều thì tỷ lệ quyên sinh càng lớn. Trước nghiên cứu này khoa học cũng đã tìm thấy nhiều nguyên nhân có khả năng làm tăng bệnh như một số hợp chất cytokines, phân tử protein có mối quan hệ rất mật thiết với quá trình viêm nhiễm. Bản thân viêm nhiễm là một phản ứng miễn dịch nên việc đưa các tế bào miễn dịch tới vết thương hoặc vị trí viêm nhiễm là rất quan trọng, nhưng khi các phản ứng viêm nhiễm trở nên mạn tính thì chính nó lại tác dụng ngược cho cơ thể. Ngoài ra, chính hệ miễn dịch hoạt hóa quá mức cũng có thể gây hại nhiều hơn lợi, tạo ra bệnh trầm cảm, căn bệnh thần kinh dẫn đến quyên sinh rất cao, tuy nhiên, mối liên quan giữa viêm nhiễm và tác động trực tiếp của nó lên các tế bào não đến nay khoa học vẫn chưa tường hết.
Qua nghiên cứu khoa học người ta đã phát hiện thấy tình trạng viêm nhiễm và nhiễm ký sinh trùng được xem là rủi ro tiềm ẩn, làm gia tăng bệnh thần kinh ở con người. (Ảnh minh họa)
Hy vọng mới trong cuộc chiến ngăn chặn tự tử
Qua nghiên cứu khoa học người ta đã phát hiện thấy tình trạng viêm nhiễm và nhiễm ký sinh trùng được xem là rủi ro tiềm ẩn, làm gia tăng bệnh thần kinh ở con người. Đặc biệt, với việc phát hiện thấy vai trò chất truyền dẫn thần kinh neurotransmitter glulamite sẽ giúp khoa học tạo ra những giải pháp điều trị mới mang tính khả thi. Glulamite là chất truyền dẫn thần kinh mà acid quinolinic đã sao chép, mô phỏng.
Theo đó, ở não của người khỏe mạnh nó đóng vai trò quan trọng làm cho tế bào hoạt hóa và phấn chấn. Ngoài ra, biết được cơ chế của neurotransmitter sẽ giúp khoa học tìm ra phương pháp điều trị những căn bệnh thần kinh khác, nhất là bệnh trầm cảm. Ví dụ, mới đây y học đã sản xuất thành công một loại thuốc gây mê có tên ketamine, chất kháng glutamate, khi tiêm vào đường máu, nó đã “đánh tan” ý định tự tử của con người trong nhiều giờ. Vì vậy, nghiên cứu và sản xuất là chất kháng glutamate được xem là hướng đi mới trong việc điều trị hội chứng chán sống và tìm đến quyên sinh ở con người.
Ngoài nghiên cứu trên, các nhà khoa học cũng khuyến cáo về việc phòng tránh ý định quyên sinh, “tự vượt lên chính mình”, duy trì cuộc sống tích cực, vận động, tránh xa môi trường độc hại, bỏ thuốc lá, không nên lạm dụng rượu bia, duy trì thực đơn ăn uống tích cực, cân bằng khoa học, duy trì trọng lượng cơ thể thích hợp, tăng cường nhóm thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa như rau xanh, trái cây. Giao tiếp cộng đồng tạo niềm vui và điều trị đồng thời những căn bệnh bản thân mắc phải.