Vắc xin mới thay thế Quinvaxem có thể gây những biến chứng gì?

Sự kiện: Sống khỏe

Vắc xin ComBE Five sẽ được triển khai đồng loạt trên toàn quốc vào tháng 12, trước đó vắc xin này đã được sử dụng thực địa tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bà mẹ băn khoăn và lo lắng khi cho con tiêm loại vắc xin này.

Vắc xin mới thay thế Quinvaxem có thể gây những biến chứng gì? - 1

Ảnh minh hoạ: Internet

Vắc xin ComBE Five được kiểm định nghiêm ngặt

Theo tài liệu Hướng dẫn sử dụng vắc xin phối hợp DPT -VGB - Hip thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia thì, đối với các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam. Các vắc xin này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế thế giới. Vắc xin chỉ được cấp phép sử dụng tại Việt Nam sau khi đã được kiểm định đạt được các yêu cầu của Việt Nam và thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết. Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

Vắc xin ComBE Five là loại vắc xin phối hợp phòng được 5 bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan b, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Trẻ nhỏ dễ mắc các bệnh này, ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Sử dụng vắc xin phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình đồng thời trẻ em có cơ hội phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tiêm vắc xin ComBE Five vẫn có thể xảy ra các phản ứng nhẹ

Tuy nhiên, cũng như các thuốc hay loại vắc xin khác khi tiêm đều có thể xảy ra các phản ứng. Theo khuyên cáo của Tổ chức Y tế thế giới, các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp.

Sau tiêm chủng trẻ có thể có một số các phản ứng thông thường như sốt nhẹ (<38,5°C), đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, quấy khóc,… Tuy nhiên, các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Một số phản ứng có thể gặp khi sử dụng vắc xin ComBE Five cũng giống như sử dụng vắc xin DPT-VGB-Hib khác hoặc vắc xin DPT có thành phần ho gà toàn tế bào như:

+ Khóc dai dẳng trên 3 giờ trong vòng 48 giờ sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

+ Co giật có kèm theo sốt hoặc không sốt trong vòng 3 ngày sau tiêm vắc xin với tỷ lệ là <1/100 liều sử dụng.

+ Giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 giờ với tỷ lệ là 1-2/1000 liều.

+ Sốc phản vệ có thể xảy ra với tỷ lệ 20/1 triệu liều.

Vì sao vắc xin Quinvaxem bị thay thế?

Vắc xin phối hợp 5 trong 1 (DPT-VGB-Hib) sử dụng trong chương trình TCMR từ khi bắt đầu triển khai tới nay có tên thương mại là Quinvaxem do công ty Berna Biotech, Hàn Quốc sản xuất. Tới nay Dự án TCMR đã sử dụng khoảng 41 triệu liều vắc xin Quinvaxem tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. Vắc xin Quinvaxem được sử dụng an toàn và hiệu quả trong tiêm chủng mở rộng giúp giảm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em.

Tuy nhiên , nhà sản xuất Berna Biotech đã ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem, số vắc xin Quinvaxem còn lại trong TCMR dự kiến sẽ sử dụng đến hết tháng 5/2018. Bộ Y tế đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem bằng loại vắc xin phối hợp 5 trong 1 tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. Vắc xin phối hợp 5 trong 1 được lựa chọn để thay thế vắc xin Quinvaxem có tên thương mại là vắc xin ComBE Five.

Trẻ cần được cấp cứu ngay nếu có những dấu hiệu này sau tiêm vắc xin

Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương, sau khi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, nếu trẻ có những dấu hiệu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Hà ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN