Uống thuốc nam chữa bệnh thận: Bệnh từ nhẹ thành nặng

Sự kiện: Món ăn bài thuốc

Nhiều bệnh nhân mắc bệnh thận tự ý uống thuốc nam. Hậu quả là họ phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng loạn nhịp tim, ngưng tim. Nếu không đến viện kịp thời có thể tử vong.

Hút chết vì uống thuốc nam

Có rất nhiều nguyên nhân gây suy thận. Trước đây, bệnh viêm cầu thận là bệnh lý chủ yếu gây ra suy thận thì nay có nhiều bệnh lý chuyển hóa là tác nhân gây suy thận như tiểu đường, cao huyết áp. Đáng lưu ý là có nhiều trường hợp mới chỉ bị suy thận chưa đến mức độ phải chạy thận nhân tạo nhưng do không tuân thủ phác đồ điều trị kết hợp với uống thuốc nam khiến biến chứng suy thận nặng.

Uống thuốc nam chữa bệnh thận: Bệnh từ nhẹ thành nặng - 1

Chị Kiểm rùng mình nhớ lại quãng thời gian đầu uống thuốc nam chữa bệnh thận

Tại khoa Thận, Bệnh viện Bạch Mai, có những bệnh nhân đến điều trị suy thận, thế nhưng tái khám bệnh tình không có dấu hiệu thuyên giảm, gặng hỏi các bác sĩ mới phát hiện bệnh nhân đã tự ý “ đông tây y kết hợp” uống cả thuốc nam lẫn thuốc tây.

Trường hợp bệnh nhân Hoàng Thị Kiểm (61 tuổi, Đa Sỹ, Hà Đông, Hà Nội) là ví dụ điển hình. Chị Kiểm cho biết năm 2005 thấy trong người chân tay mỏi, chán ăn, ngửi thấy mùi gì cũng sợ. Nghe hàng xóm mách, chị đi uống thuốc nam. Một tháng sau uống thuốc tình trạng bệnh không hề thay đổi, những cơn mệt mỏi kéo dài nhiều hơn. Nặng đến mức chị không thể làm được gì, đến bê rổ rau thôi cũng thấy nặng trĩu. Chân tay càng ngày càng phù thũng.

“ Một đêm huyết áp tôi tăng đột ngột, người mê đi không còn biết gì. Gia đình mới đưa đi cấp cứu tại BV Hà Đông, sau xin chuyển sang Viện 103 và được chuyển lên Bạch Mai. Các bác sĩ bảo số tôi còn may, được cấp cứu kịp thời, chứ nhiều người đến viện muộn đã không cứu sống được” – chị Kiểm rùng mình nhớ lại.

Từ đó đến nay, đằng đẵng 10 năm trời, chị gắn bó với khoa thận Bệnh viện Bạch Mai. Người đàn bà không chồng, không con, sống với mẹ già ấy tuần đều đặn 3 buổi đi xe bộ, bus, xe ôm lên Bệnh viện Bạch Mai chạy thận.

Ts. Bs Nguyễn Hữu Dụng – Trưởng khoa thận, BV Bạch Mai cho biết, thận giữ vai trò quan trọng cho cơ thể sống, là cơ quan đào thải kali chủ yếu của cơ thể. Trong khi đó ở các loại cây cỏ, thảo dược khô có hàm lượng kali cao. Mà khi thận bị suy sẽ không thể đảm đương việc thải lọc kali. Điều này khiến cho nồng độ Kali trong cơ thể tăng cao (bệnh nhân suy thận, nồng độ kali từ trên 5mmol/l đã là mức độ nguy hiểm). Nhiều bệnh nhân đến viện trong tình trạng loạn nhịp tim, ngưng tim. “Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong” – BS Dũng nhấn mạnh.

Gia tăng người mắc bệnh thận

PGS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trên thế giới có khoảng 500 triệu người có vấn đề về bệnh lý mãn tính ở thận. Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới. Đáng ngại là số người mắc phải căn bệnh này có xu hướng tăng lên.

Uống thuốc nam chữa bệnh thận: Bệnh từ nhẹ thành nặng - 2

Gia tăng bệnh nhân mắc bệnh thận

Theo chuyên gia, các loại thuốc lá, thuốc sắc có thể gây ngộ độc cho bệnh nhân và làm bệnh tiến triển nặng lên. Tuy nhiên, không chỉ riêng các loại thuốc lá hay thuốc sắc, thuốc tây nếu lạm dụng và không dùng đúng liều cũng có thể gây độc cho thận.

Vì thế, trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào bằng đường uống hoặc đường tiêm cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bệnh nhân cần tìm hiểu những thông tin về thuốc cũng như tình trạng bệnh để tránh làm bệnh nặng lên và có những biến chứng nguy hiểm khi sử dụng thuốc không đúng.

Ngoài việc sử dụng thuốc đúng, những người mắc bệnh về thận cần phải ăn nhạt và không nên ăn quá 2 – 4g muối mỗi ngày. Khi cả hai thận đều bị suy, muối sẽ không được loại bỏ mà ứ lại trong cơ thể gây phù, cao huyết áp, suy tim, ứ nước trong phổi và tổn thương các mạch máu. Vì vậy phải hạn chế muối tối đa để tranh cao huyết áp.

Trong bữa ăn hằng ngày, không nên dùng quá nhiều thực phẩm chứa nhiều muối như: Dưa cà muối mặn, mắm tôm, cá mắm, thịt cá đóng hộp, thịt hun khói, thịt sấy khô, thịt muối, các loại thực phẩm ăn chế biến sẵn.

“Chất kali bị ứ đọng lại trong cơ thể khi bị suy thận, kali trong máu trên 6,5mmol/l sẽ cực kỳ nguy hiểm vì có thể làm tim loạn nhịp và đưa tới ngừng tim đột ngột, gây tử vong bất cứ lúc nào mà không có triệu chứng báo trước.

Bệnh nhân suy thận cần tránh các thức ăn chứa nhiều kali như trái cây, nhất là cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, dâu, các loại trái, hạt khô như đậu phộng, hạt điều, hạt dẻ, sô-cô-la, ô mai, nước sấu dầm, mơ dầm chứa kali nhiều hơn chuối đến 10 lần. Ngoài ra, các loại rau tươi cũng có nhiều kali nhưng có thể dùng được sau khi đun nấu 2-3 lần và bỏ nước đã luộc rau” - TS. BS Nguyễn Cao Luận, nguyên trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh.

8 nguyên tắc vàng phòng chống bệnh thận:

- Hoạt động thể lực phù hợp

- Kiểm soát đường huyết

- Theo dõi huyết áp

- Chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng

- Uống lượng nước thích hợp

- Không hút thuốc lá

- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

- Kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Châu Anh (Infonet)
Món ăn bài thuốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN