Uống thuốc cũng... năm bảy đường

Tưởng rằng uống thuốc là công việc đơn giản chỉ tốn vài giây đưa vào miệng rồi nuốt, thế mà cũng đoạn trường ai có… nuốt rồi mới hay.

Rất nhiều người đã gặp phải khó khăn khi nuốt thuốc. Thuốc viên được bào chế với nhiều kích cỡ khác nhau tùy vào dược tính và tính sinh khả dụng, vào sự hấp thu, chuyển hóa,  phân phối, thải trừ của thuốc. Nhiều viên thuốc được bào chế với kích thước nhỏ nhưng cũng có những viên “quá cỡ thợ mộc” gây nên sự khó nuốt. Khó khăn này không chỉ gặp ở trẻ em mà đôi khi cả người lớn cũng phiền lòng.

Việc sợ uống thuốc do khó nuốt có thể sẽ làm cho cuống họng càng bị siết chặt lại. Điều này càng làm cho viên thuốc nằm lâu hơn trong miệng. Có khi nuốt thuốc không được và người bệnh phải nhổ ra ngoài. Để tiện lợi cho việc nuốt thuốc, người sử dụng cần thực hiện những “tuyệt chiêu” sau:

Trước hết, bạn hãy tìm cách làm gia tăng sự tiết nước bọt. Nếu bạn cảm thấy miệng bị khô thì đây cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho việc nuốt thuốc. Bạn có thể tự làm tăng sự tiết nước bọt bằng cách tưởng tượng ra rằng đang thưởng thức những món ăn khoái khẩu hoặc những loại trái cây chua như me, xoài, cóc, ổi… Bạn cũng có thể uống trước một hớp nước hoặc đánh nhẹ mặt trên và mặt dưới của lưỡi vào môi hay răng. Rất nhiều người cảm thấy việc nuốt thuốc bỗng trở nên dễ dàng nếu áp dụng phương cách như trên.

Uống thuốc cũng... năm bảy đường - 1

Có những viên thuốc “quá cỡ thợ mộc” gây ra tình trạng khó nuốt Ảnh: HỒNG THÚY

Không được nuốt thuốc khi nằm, chỉ nên nuốt trong tư thế ngồi hoặc đứng. Có nhiều bậc cha mẹ tìm cách cho trẻ nuốt thuốc dễ hơn bằng việc cho uống chung với những loại nước giải khát, nước trái cây. Điều này hoàn toàn bất lợi cho việc sử dụng thuốc.

Cần phải được tư vấn bởi bác sĩ hoặc dược sĩ về việc nuốt thuốc với tất cả những loại thức uống. Rất nhiều dược phẩm bị mất đi tính hiệu quả hoặc gây ra tác dụng phụ khi được sử dụng chung với một số loại thực phẩm và thức uống. Chẳng hạn, vài loại  kháng sinh không bao giờ được sử dụng chung với sữa hoặc những sản phẩm từ sữa (phô mai, yaourt…).

Một số người sử dụng thuốc đã “phát minh” ra những cách đưa thuốc vào cơ thể bằng việc cà thành bột rồi rắc vào đồ ăn, thức uống hoặc nuốt chung với trái cây như chuối, táo… Điều này chỉ làm phản tác dụng của thuốc hoặc có thể gây ra những tác dụng phụ có hại.

Khi nuốt chung với dịch ép nước bưởi, một số dược phẩm được tăng sự hấp thu. Nếu một loại thuốc được hấp thu nhanh hơn mong đợi, có nghĩa là thuốc ấy sẽ tăng tác động. Ví dụ, thuốc dùng để hạ huyết áp có thể sẽ làm hạ huyết áp quá mức. Nếu một loại thuốc tăng hấp thu, đồng nghĩa với việc tăng những tác dụng phụ.

Nguyên nhân là trong  dịch ép nước bưởi có nồng độ cao các chất naringin, bergamottin và dihydroxybergamottin. Những chất này sẽ tác dụng với enzyme cytochrome P450 insoform CYPA4. Các  loại thuốc tương tác với nước ép bưởi gồm hạ huyết áp, hạ cholesterol statin, ức chế miễn dịch dùng trong các trường hợp cấy ghép các cơ quan nội tạng, chất ức chế men protease trong điều trị HIV/AIDS, vài loại thuốc chống lo âu (anti-anxiety) và  kháng histamine (antihistamin). Cần tham khảo ý kiến dược sĩ xem những thuốc bạn đang sử dụng có bị ảnh hưởng bởi dịch ép nước bưởi hay không.

Nếu gặp khó khăn trong việc nuốt thuốc thì có thể bạn mắc phải chứng khó nuốt (dysphagia). Đây là lúc bạn cần phải được chẩn đoán và điều trị. Hãy nhớ rằng những bệnh nhân dysphagia không những gặp khó khăn khi nuốt thuốc mà còn khổ sở trong việc nuốt thực phẩm, uống nước…

Không nên “thuận lợi hóa” việc nuốt thuốc bằng cách cắt, bẻ viên thuốc ra làm đôi hoặc nhiều phần nhỏ hơn. Phương pháp này có thể ảnh hưởng đến phương cách mà thuốc sẽ được hòa tan trong dạ dày, đồng thời còn làm cho viên thuốc càng có mùi vị “khó ưa” hơn. Bên cạnh đó, những cạnh sắc của mặt cắt viên thuốc có thể gây trầy xước cuống họng khi nuốt.

Vài viên thuốc được bao viên một cách đặc biệt có tác dụng “hẹn giờ”. Khi bẻ viên thuốc ra, sẽ khiến cho viên thuốc được giải phóng nồng độ một cách nhanh chóng hơn, vì thế dễ xảy ra những trường hợp ngộ độc thuốc. 

Các loại nước uống không tốt khi dùng thuốc

Bạn cần được dược sĩ tư vấn để xem loại thuốc đang dùng với loại nước đang uống có thể xảy ra tương tác hay không. Trà và cà phê thường làm giảm hoặc mất hoạt tính của thuốc. Đặc biệt, dịch ép nước bưởi có thể gây bất lợi cho việc uống thuốc. Dịch ép nước bưởi sẽ làm tăng sự hấp thu của một số dược phẩm. Điều này nghe có vẻ như có lợi song thực tế lại gây nguy hiểm cho cơ thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN