Ung thư nào ăn theo thực phẩm không an toàn?

Sự kiện: Ung thư

Gan khó lòng đảm nhiệm chức năng giải độc với hiệu quả như mong muốn nếu chính gan… ngộ độc!

Tội cho lá gan một đời gồng mình chịu trận chờ ngày ung thư chỉ vì món ăn thiếu an toàn vệ sinh đang thả nổi hơn lục bình mùa nước lũ.

Tổ chức Y tế Thế giới ắt hẳn có luận cứ vững chắc khi cảnh báo không dưới 70% bệnh mãn tính là hệ quả của thực phẩm không an toàn, nói đúng hơn, của chất phụ gia trong thực phẩm công nghệ. Đáng lo hơn nhiều vì ở nước mình mối nguy phải nhân năm, nhân mười với hóa chất bảo quản, hóa chất đánh bóng thuộc danh sách chất cấm vì sinh ung thư đang thả nổi trong tay của con buôn xem sinh mạng người tiêu dùng nhẹ hơn tờ giấy bạc!

Đừng tưởng chuyện nhỏ!

Chuyên gia về bệnh miễn nhiễm ở ĐH Stuttgart đã chứng minh là bạch cầu và thực bào, sau nhiều lần bị huy động vì cơ thể ghi nhận tình trạng dị ứng đâu đó, sau giai đoạn đầu hăng hái lăng xăng bỗng trở nên ù lì theo kiểu ngu gì mà làm. Khi đó, chỉ cần một đợt bội nhiễm siêu vi hay vi khuẩn, cho dù là cường độ chẳng bao nhiêu, vẫn thừa sức đốn ngã nạn nhân do hàng phòng vệ đồng lòng ngồi chơi xơi nước!

Mỗi lần có hiệu lệnh báo động dù là thầy thuốc đã đặt tên cho tình trạng này là “hội chứng bội nhiễm giả”, một thành phần thực bào khác luôn luôn phản ứng rất thái quá trong việc săn lùng rốt ráo và tiêu diệt thẳng tay bệnh nguyên theo kiểu thà lầm hơn sót. Đó là lực lượng tế bào mang tên của tác giả đã phát hiện thành phần này: Tế bào Kupfer! Tế bào “lãng nhách” này trên đường công tác lại rất khoái khẩu với nhóm tế bào cách mấy cũng gắn liền với độc tố hay phế phẩm nào đó: Tế bào gan. Hậu quả càng nhiều đợt báo động do cơ thể tiếp xúc với rác rến trong thực phẩm mất vệ sinh, nhu mô gan càng bị phá vỡ dưới tác động của tế bào Kupfer. Tế bào mỡ khi đó thừa nước đục thả câu lấn sân chiếm chỗ để gan thành gan nhiễm mỡ. Vùng tập trung của tế bào mỡ bao giờ cũng chèn ép vùng lân cận. Nhu mô gan khi đó dễ hóa xơ vì thiếu dưỡng khí, thiếu dưỡng chất. Trên nền xơ gan tế bào gan sớm muộn cũng biến thể thành một dạng tế bào thế hệ 2 có cấu trúc và hình dạng quái dị! Ung thư gan khi đó thành hình!

Ung thư nào ăn theo thực phẩm không an toàn? - 1

Thanh lọc môi trường ô nhiễm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tất nhiên là giải pháp cần thiết cho tế bào gan.

Hai mặt giáp công mới mong thắng thế

Thanh lọc môi trường ô nhiễm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tất nhiên là giải pháp cần thiết nhưng tế bào gan chắc chắn không đợi đến khi không còn rác rến ngoài đường, rác rến trong gan. Biện pháp chủ động hơn chính là làm sao bảo vệ nhu mô gan một cách tích cực, qua đó làm cách nào kiểm soát hoạt động của tế bào Kupfer chẳng khác nào biện pháp phòng bệnh. Đó chính là động cơ khiến càng lúc càng nhiều nhà điều trị tìm về hoạt chất sinh học với công năng “2 trong 1” vừa kháng viêm đỡ lưng cho tế bào gan, vừa che chắn ám tiễn liên tục từ tế bào Kupfer. Họ phải chọn thái độ như thế vì chỉ với hóa chất tổng hợp, thầy thuốc rõ ràng khó thắng thế.

Đúng ra còn phản ứng là còn tốt vì có cũng còn hơn không. Éo le chỉ ở điểm nhiều khi chỉ vì thái quá mà kết quả thay vì ăn cả lại ngã về không. Đánh thức được sức đề kháng, huy động được lực lượng hệ thống phòng vệ đúng là biện pháp cần thiết trong bối cảnh bệnh từ miệng bệnh vào do món ăn đảm bảo vệ sinh là hàng… hiếm! Nhưng cũng như dùng thuốc, muốn nên thuốc phải đúng liều lượng.

Chuyện gì cũng có nguyên nhân

Tế bào Kupfer không vô cớ bỗng hung hăng. Kích ứng chính là sự hiện diện của độc chất tích lũy trong lá gan. Chất nào vào cơ thể, dù là hóa chất tổng hợp hay hoạt chất thiên nhiên, đều phải được biến thể ở lá gan trước khi vào đường đào thải qua trục tiêu hóa hay tiết niệu. Gan vì thế là cơ quan phải tiếp xúc và tích lũy đủ loại hóa chất. Chính nhờ có sự can thiệp của lá gan mà dược phẩm ít phản ứng phụ, mà thực phẩm ít gây ngộ độc, mà hóa chất gia dụng ít sinh dị ứng. Sau đó gan cần mật để đưa tạp chất ra khỏi lá gan, càng sớm càng tốt, càng nhiều càng hay. Mật vì thế phải được tổng hợp liên tục trong gan.

Vì mật ít nhiều trộn lẫn với phế phẩm nên mật có hại cho tế bào gan nếu mật ở trong gan quá lâu. Vì ứ đọng nên mật, thay vì xuống ruột, lại lọt vào máu khiến lượng mật trong máu tăng cao và sinh chứng vàng da! Chất mật trong máu một khi vượt quá định mức bình thường là chất độc đối với cơ thể. Nạn nhân vì thế mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, ngứa ngáy, sốt hâm hấp về chiều… Trên cơ sở vừa phân tích, làm sao để gan liên tục tạo mật nhưng mật đừng ở lại trong gan quá lâu không chỉ là biện pháp cơ bản để phòng tránh bệnh gan, mật. Đó là một trong các phương án pha loãng độc chất để cơ thể đừng rơi vào tình trạng rối loạn biến dưỡng do ngộ độc vì gan giải độc không kịp. Tình trạng này rõ hơn ban ngày ở đối tượng phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, ở người tự đầu độc bằng rượu bia, thuốc lá, ở đối tượng đã bị viêm gan… Khi đó tế bào Kupfer chẳng khác nào rồng lên mây tha hồ phun lửa!

Các loại thực phẩm ”đại kỵ” với bệnh nhân ung thư gan

Chế độ dinh dưỡng sau điều trị đóng một vai trò quan trọng, giúp bệnh nhân có sức khỏe, mau hồi phục, khắc phục các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS. Lương Lễ Hoàng - Pháp luật TPHCM
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN