Ung thư máu có thể phát hiện được thông qua xét nghiệm máu không?
Các bác sĩ cảnh báo, mọi người cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo trước như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu kinh nguyệt kéo dài.
Theo Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu 2020), mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm gần 6.300 ca mắc ung thư máu mới, hơn 4.700 ca tử vong vì bệnh này. Đây là một trong 7 bệnh ung thư có số ca mắc mới cao nhất Việt Nam.
Về cơ bản, đa số các thể ung thư máu có thể phát hiện được thông qua xét nghiệm máu.
ThS.BS Nguyễn Quốc Nhật, Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, về cơ bản, đa số các thể ung thư máu có thể phát hiện được thông qua xét nghiệm máu.
Tuy nhiên, có một số trường hợp đặc biệt như: số lượng tế bào bạch cầu trong máu quá thấp, làm xét nghiệm máu chưa có đủ số lượng tế bào để chẩn đoán chắc chắn ung thư máu.
Khi đó, ngoài xét nghiệm máu, bệnh nhân phải làm một số xét nghiệm liên quan đến miễn dịch di truyền, mà những xét nghiệm đó thường ưu tiên bệnh phẩm dịch tủy xương (cần chọc tủy). Do đó, để chẩn đoán ung thư máu, bệnh nhân thường được làm xét nghiệm huyết tủy đồ.
TS.BS Bạch Quốc Khánh, Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam cho biết, với bệnh nhân mắc u máu ác tính, ngoài các phương pháp điều trị thông thường, ghép tế bào gốc tạo máu được coi là phương pháp điều trị tối ưu.
Với những bệnh nhân ung thư máu ác tính, nếu điều trị đơn thuần thì thời gian sống đến 5 năm khoảng 20-30%, nhưng với phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu, tỉ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm lên tới 50-60%.
Đến nay, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã ghép tế bào gốc tạo máu cho gần 600 ca bệnh, trong đó 2/3 là ghép tế bào gốc máu đồng loài (từ anh chị em ruột, cha mẹ, máu dây rốn).
Mọi người có thể căn cứ vào những dấu hiệu sau để nhận biết bệnh ung thư máu đang tấn công:
Khi cảm thấy người bệnh mệt mỏi kéo dài, sốt kéo dài, gầy sút cân nhiều, da xanh tái, xuất huyết bầm tím da và cơ quan khác.
Ngoài ra, người bị ung thư máu còn có dấu hiệu đau bụng, thiếu máu, phát ban, nổi mụn hoặc ban xuất huyết giảm tiểu cầu trên cơ thể, đau xương khớp, hay nhiễm trùng, khó thở, đau xương khớp….
Đặc biệt, mọi người cần hết sức chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo trước như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, chảy máu kinh nguyệt kéo dài.
Bệnh ung thư máu đa hình thái như nốt, chấm, mảng và rải rác ở tay chân hay lan rộng toàn thân. Các vết xuất huyết ban đầu có màu đỏ, sau đó chuyển sang vàng nhạt và thâm.
Do đó, để biết chính xác người bệnh có bị xuất huyết giảm tiểu cầu hay không các chuyên gia khuyến cáo nên thường xuyên đi khám sức khỏe, xét nghiệm máu kịp thời để phát hiện bệnh, đặc biệt là khi xuất hiện các triệu chứng như trên.
Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới.
Nguồn: [Link nguồn]