Ung thư da lại đắp thuốc nam, biến chứng vào tận xương
Thấy da có một nốt sùi nhỏ rắn và loét, bà Vân đã đi khám ở bệnh viện tỉnh Thanh hóa, bác sĩ chẩn đoán u sọ thái dương nhưng nhà nghèo, bà Vân về đắp thuốc lá.
Thấy da có một nốt sùi nhỏ rắn và loét, bà Vân đã đi khám ở bệnh viện tỉnh Thanh hóa, bác sĩ chẩn đoán u sọ thái dương nhưng nhà nghèo, bà Vân về đắp thuốc lá.
Ảnh minh họa
Đắp thuốc lá vì không biết bệnh ung thư
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bà Hà Thị Vân 56 tuổi quê ở Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Thanh Hóa nhăn nhó vì đau đớn. Bà Vân bị căn bệnh ung thư tế bào đáy, bệnh đã trở nên nặng và biến chứng vào xương và mắt.
Bà Vân kể từ năm 2013, bà thấy trên mặt gần mắt phải có một mụn sau đó cứ lan dần và loét ra mà không khỏi. Bà có đến khám ở bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán u sọ thái dương. Vì không biết là ung thư nên bà Vân cứ đi đắp thuốc lá với hi vọng vết nhọt sẽ biến mất. Tuy nhiên, bệnh không khỏi và đau nhiều hơn. Gần 1 năm nay, khối u ở mặt khiến bà đau nhức không ngủ nổi.
Lúc này, con cái đưa bà Vân đi bệnh viện Răng Hàm Mặt trung ương kiểm tra. Bà được bác sĩ giới thiệu sang bệnh viện Da liễu trung ương. Tại đây bác sĩ chẩn đoán bà Vân bị ung thư tế bào đáy – một dạng ung thư da.
Đau đớn khiến bà Vân mệt mỏi nhưng từ lúc biết đó là bệnh ung thư không phải u nhọt bình thường, bà Vân buồn rầu. Gia đình bà Vân có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo của thôn. Ra Hà Nội, hành trang của mẹ con bà là vài triệu vay từ người thân và tấm thẻ bảo hiểm y tế dành cho hộ nghèo.
Khi bác sĩ nói đến ca mổ sắp tới có thể lên đến vài chục triệu đồng, bà Vân rướm nước mắt: “Trăm sự nhờ bác sĩ, chúng tôi sẽ đi vay tiền để mổ”. Tâm sự với chúng tôi, chị Dung con gái của bà Vân tâm sự gia đình nghèo bố mất từ hơn 20 năm trước. Từ ngày bố mất, một tay bà Vân nuôi 4 người con. Cái nghèo cứ bó bện lấy người đàn bà nhỏ bé ấy. Nhưng bà Vân rất hăng hái tham gia các hoạt động phụ nữ của thôn. Bà làm công tác của hội phụ nữ trong thôn. Có lẽ nhờ công việc ấy, bà quên đi cái nghèo và sự cô đơn của một góa phụ.
Thạc sĩ bác sĩ Phạm Cao Kiêm, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết hoàn cảnh gia đình của bà Vân rất khó khăn. Bệnh viện cũng trích quỹ của bệnh viện trao tặng bà Vân số tiền nhỏ nhưng nó chẳng thấm tháp vào đâu so với căn bệnh ung thư của bà. Để có thể điều trị được bệnh cần rất nhiều thời gian.
Các bác sĩ sẽ tiến hành hội chẩn liên chuyên ngành, da liễu, hàm mặt và ung thư để đưa ra quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân Vân. Bác sĩ Kiêm cho biết các bác sĩ sẽ phải cắt rộng vùng khối u. Nếu với khối u này, bệnh nhân sẽ bị mất tai và quan trọng là có lấy hết được xương tổn thương do ung thư và mắt. Đây là ca mổ phức tạp để phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ sẽ phẫu thuật lấy vạt da thái dương hoặc lấy vạt da đùi để thẩm mỹ cho bệnh nhân sau đó chuyển sang chuyên khoa ung thư để xạ trị.
Bà Vân và con gái ở bệnh viện.
Cẩn trọng với ung thư da
Ung thư tế bào đáy có thể xuất phát từ một tổn thương da đã có sẵn, ví dụ: từ một cục đen da dày sừng ở người già, sau đó dưới lớp sừng này xuất hiện một vết trợt loét rồi chung quanh nổi gờ lên có màu trắng đục như hạt ngọc.
Biểu hiện ban đầu có thể xuất hiện ngay trên da lành, bắt đầu xuất hiện một cục màu hồng, hơi mềm dần dần phát triển rộng thêm, ở giữa lõm, chung quanh có viền hơi óng ánh gồm những cục màu trắng đục thường được gọi là những hạt ngọc (perles), là triệu chứng đặc hiệu, bên ngoài thường có những tia máu nhỏ do dãn mao mạch.
Bệnh gặp ở bất kỳ chỗ nào trên cơ thể, nhưng thường thấy nhất ở vùng đầu, mặt khoảng 80- 89,3%, đôi khi có ở cổ 5,2 %, ở thân mình 3,6%, bộ phận sinh dục 1%. Khi khu trú ở mặt, thường ở vùng mũi 20-23%, ở má 16-29%. Hiếm khi khu trú ở lòng bàn tay, bàn chân. Ở niêm mạc không bao giờ xuất hiện bệnh.
Ung thư tế bào đáy phát triển chậm, từ vài tháng đến thậm chí vài năm để gia tăng kích thước. Mặc dù di căn là hiếm gặp, ung thư tế bào đáy có thể làm tổn thương hay biến dạng mắt, tai, mũi nếu nó phát triển gần những vùng này.