Ung thư có lây qua đường ăn uống?

Sự kiện: Ung thư
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc

Người nhà tôi bị ung thư, nhiều người sợ lây nên không dám ngồi ăn chung. Ung thư có lây qua đường ăn uống không, nguyên nhân gây bệnh do đâu? (Diệp Lâm, Bình Phước)

Trả lời:

Ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm, mà là kết quả của sự biến đổi gene trong tế bào, có thể kèm theo tình trạng viêm nhiễm do một số loại virus. Do đó, ung thư không có khả năng lây lan, nhất là qua đường ăn uống như nhiều người lo lắng.

Tế bào ung thư từ người bệnh không thể sống trong cơ thể của người khác. Hệ thống miễn dịch của cơ thể người khỏe mạnh sẽ nhận biết và tiêu diệt tế bào lạ, bao gồm cả tế bào ung thư. Ung thư cũng không lây qua các đường như hôn, quan hệ tình dục, dùng chung đồ cá nhân, tiếp xúc với máu hay chạm vào da người bệnh ung thư, hít thở chung bầu không khí...

Người bệnh được chăm sóc tại khoa Ung Bướu. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Người bệnh được chăm sóc tại khoa Ung Bướu. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Hiện chưa xác định rõ nguyên nhân gây ung thư, song có những yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra nhiều loại ung thư như ung thư phổi, ung thư khoang miệng, ung thư đại tràng...

Tiếp xúc hóa chất độc hại trong môi trường làm việc hoặc môi trường sống (amiăng, benzen, dioxin, thuốc trừ sâu...) có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Tiếp xúc với tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời hoặc giường nhuộm da (tanning bed) làm tăng nguy cơ ung thư da.

Chế độ ăn uống không lành mạnh như thói quen ăn ít chất xơ, chất béo bão hòa, ít rau củ, trái cây... dễ dẫn đến khả năng mắc ung thư, nhất là ung thư đại trực tràng.

Ít vận động cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cao.

Uống rượu bia có liên quan mật thiết đến nhiều loại ung thư như ung thư gan, ung thư vòm họng và ung thư vú.

Tiếp xúc với virus gây ung thư như virus HPV (Human Papillomavirus) gây ung thư cổ tử cung; virus EBV (Epstein-Barr virus) gây ung thư vòm họng, u lympho không Hodgkin; virus viêm gan B (Hepatitis B virus) và viêm gan C (Hepatitis C virus) gây ung thư gan.

Ngoài ra, một số loại ung thư còn có yếu tố di truyền, nghĩa là nếu bạn có người thân trong gia đình mắc ung thư, bạn có nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Mỗi người cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý, nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm. Chủ động tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (nếu có), từ đó làm tăng khả năng điều trị khỏi.

Nguồn: [Link nguồn]

Đây là thói quen nhiều người mắc phải, vừa làm tăng nguy cơ ung thư, vừa giảm thị lực, dễ thoái hóa não, chấn thương cột sống cổ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo BS.CKI Nguyễn Chí Thanh - Khoa Ung Bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN