'Tút tát' vùng kín: Nghe bác sĩ nói!
Theo Th.s, bác sĩ chuyên khoa sản Trần Việt Cường, trước khi muốn khâu âm đạo cần lắng nghe tư vấn của bác sĩ.
Một độc giả chia sẻ : "Lần sinh nào em cũng bị rạch tầng sinh môn và phải khâu đến 8 mũi. Lần sinh thứ 2, vết khâu của em bị bục chỉ không lành được. Bác sĩ thì bảo không sao, vết thương sẽ tự lành tuy nhiên cái sẹo có xấu hơn thôi. Thế nhưng cũng từ lần sinh bé thứ 2 xong, em cảm nhận rõ vùng kín bị giãn nở đáng kể. Nhiều khi em còn bị đi tiểu mất kiểm soát và đặc biệt “chuyện ấy” với vợ chồng em vô cùng nhàm chán. Đến em còn cảm thấy không có cảm giác nữa là chồng".
Cô bạn thân cho biết: "Thời đại y học tiên tiến thế này mà bạn tôi còn lo lắng những chuyện không đâu. Bạn đi phẫu thuật thẩm mỹ vùng kín đi. Đảm bảo sau 30-40 phút phẫu thuật bạn sẽ có một “cô bé” mới và cuộc sống vợ chồng sẽ thăng hoa như ngày mới cưới. Ngày nay mẹ nào đẻ thường xong chẳng bị “lỏng lẻo” vùng kín thế. Chi phí cho ca phẫu thuật cũng rẻ nên các mẹ đang rủ nhau ới ới đi khâu vùng kín cả rồi.”
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Việt Cường (Khoa sản thường, Bệnh viện Nhân dân Gia Định) cho biết: "Với kỹ thuật hiện nay, sau sinh, nhiều chị em chọn cách khâu thẩm mỹ vùng kín. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc sau sinh nhiều chị em cảm thấy chuyện vợ chồng không được như trước, vì cảm nhận âm đạo bị giãn ra, giao hợp cảm thấy lỏng lẻo hơn khi chưa sinh. Khi tiến hành khâu vùng kín cũng phải chọn cơ sở y tế tin cậy, có bác sĩ chuyên môn và kỹ thuật tốt để tránh bị chảy nhiều máu hay nhiễm trùng".
Chị em cần cân nhắc trước khi quyết định đi làm lại vùng kín. (ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Cường, việc khâu vùng kín có thể tiến hành sau khi sinh khoảng 3 tháng. "Nếu mới sinh lần đầu thì chị em không nên quá vội vàng đi khâu vùng kín, cần chờ đợi thêm thời gian, sau đó cần thiết khâu thì đến bác sĩ để được thăm khám. Việc khâu vùng kín không phải do bác sĩ chỉ định mà chỉ tiến hành khi có nhu cầu của người phụ nữ sau sinh hoặc sa sinh dục", bác sĩ Cường nhấn mạnh.
Trước khi tiến hành thủ thuật khâu vùng kín, chị em cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám. Việc khâu âm đạo không chỉ có bên ngoài mà còn cả kỹ thuật làm hẹp bên trong để giao hợp không còn cảm giác "lỏng lẻo" quá.
"Với người được khâu vùng kín, bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh lý về máu, đặc biệt người bị tiểu đường để tránh bị mất máu trong quá trình khâu". bác sĩ Cường nói thêm.
Cũng theo bác sĩ Cường, việc quyết định khâu hay không do cảm nhận của chính người phụ nữ, người chồng và việc cảm giác giao hợp có "lỏng lẻo" hay không cũng là do tâm lý hoặc cảm nhận. Bởi, có trường hợp sau khi khâu ở những cơ sở không đảm bảo, âm đạo hẹp quá lại dẫn đến khó khăn khi giao hợp. Sau khi khâu vá vùng âm đạo, cần giữ vệ sinh để tránh nhiễm trùng, đặc biệt kiêng giao hợp vợ chồng.
Về cách dùng thuốc xông vùng kín hay gel bôi trơn để âm đạo không bị rộng như trước khi sinh nở, bác sĩ Cường cho hay: "Đến nay tôi cũng chưa có tài liệu hay nghiên cứu về những cách này. Tuy nhiên, chị em nên thăm khám bác sĩ để được tư vấn chu đáo trước khi quyết định có được sử dụng những phương pháp này hay không".