Tưởng mãn kinh, hóa ra suy thận nặng
Suy thận do biến chứng của các bệnh chuyển hóa (đái tháo đường, gout) tăng cao trong các năm gần đây khiến mỗi năm ở Việt Nam gia tăng thêm nhiều bệnh nhân mới. Việt Nam hiện có khoảng 5 triệu bệnh nhân suy thận, trong đó khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối và mỗi năm gần 8.000 ca bệnh mắc mới.
Béo phì – một trong những nguyên nhân gây tổn hại đến chức năng thận. Ảnh: T.L
Phần lớn bệnh nhân phát hiện giai đoạn muộn
Hơn nửa tháng liên tục tiểu đêm, buồn nôn, nôn, đau lưng, đau cạnh sườn, ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt, chị Tuyết Anh, 48 tuổi (ở Thường Tín, Hà Nội) thấy các triệu chứng giống tiền mãn kinh nên tăng cường bổ sung các thực phẩm chức năng liên quan đến nội tiết tố. Đến khi toàn thân ngứa, sốt và khó thở, đi khám chị mới biết mình bị suy thận giai đoạn 3.
Đến khám và chữa bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai, chị Tuyết Anh mới biết có rất nhiều người giống mình, khi phát hiện thì bệnh cũng đã chuyển sang giai đoạn 3,4, thậm chí giai đoạn 5. Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, suy thận được chia làm 5 giai đoạn. Ở các giai đoạn từ 1, 2, 3, 4 nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị có thể kéo dài thời gian bảo tồn trong 5 - 10 năm, trì hoãn giai đoạn chạy thận. Nếu bệnh tiến triển đến độ 5 thì phải ghép thận hoặc chạy thận nhân tạo.
Trước đây, nguyên nhân gây suy thận mãn ở Việt Nam chủ yếu là viêm cầu thận mãn. Hiện nay, nguyên nhân gây suy thận mãn được xác định là do các bệnh chuyển hóa , trong đó có tiểu đường. Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, nếu như năm 2008, tỷ lệ bệnh nhân phải chạy thận ở Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai là 4% do tiểu đường thì năm 2012 tăng lên 8% và hiện nay là khoảng 14%. Dự báo xu hướng sẽ tăng vào các năm tiếp theo ở nhóm bệnh nhân này. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng tăng huyết áp và đái đường type 2 là nguyên nhân của 2/3 tổng số các ca suy thận, đặc biệt là suy thận giai đoạn cuối.
Một nguyên nhân nữa là béo phì có thể gây tổn hại đến chức năng thận trước khi tiểu đường và tăng huyết áp tác động tiêu cực lên thận và là nguyên nhân chính gây ra bệnh về thận. Ngoài ra, bệnh nhân bị tăng huyết áp, viêm cầu thận, các bệnh lý thận khác dẫn đến tình trạng suy thận cũng nhiều. Đặc biệt, tình trạng nhiễm độc do thuốc - trong đó có thói quen tùy tiện dùng thuốc, sử dụng đông dược trộn tân dược… cũng là nguyên nhân gây suy thận. Điều đáng nói hiện nay, tuổi trung bình phải lọc máu chu kỳ ở Việt Nam là khá trẻ 46-47 tuổi, trong khi tại Pháp năm 1996 là 66 tuổi. Tại Khoa Thận Nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, có những bệnh nhân còn rất trẻ chưa lập gia đình, sinh viên cũng phải gắn chặt với máy chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Đa số bệnh nhân đều đi khám ở các giai đoạn muộn như khi mệt mỏi, sốt, phù thũng, bệnh nhân mới đến khám thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Để phát hiện bệnh sớm nhất, TS Nguyễn Hữu Dũng khuyến cáo bệnh nhân cần phải đi xét nghiệm máu định kỳ ở các tuyến cơ sở.
Những dấu hiệu không thể bỏ qua
Bệnh thận thường có diễn biến âm thầm, khó phát hiện, do vậy khi gặp các dấu hiệu bất thường sau, người bệnh cần lưu ý đi khám tại các cơ sở y tế sớm nhất có thể:
Phù toàn thân: Hiện tượng phù có thể do nhiều nguyên nhân như mắc các căn bệnh về thận, gan, tim mạch. Tuy nhiên nếu bị phù toàn thân, đặc biệt là ở chân, tay và mặt kèm theo da trắng nhạt thì đó là do bệnh thận yếu gây ra. Thận hư khiến cho các độc tố trong cơ thể không thể được đào thải ra bên ngoài, chúng sẽ tích tụ trong cơ thể và gây ra phù toàn thân.
Sự thay đổi trong nước tiểu: Thông thường, nước tiểu sẽ có màu vàng nhạt và có thể chuyển sang màu vàng sậm nếu uống ít nước. Tuy nhiên, dấu hiệu khiến bạn có thể mắc một số bệnh về thận: Tiểu trên 2 lần một đêm là dấu hiệu người bị bệnh thận gặp phải. Thận yếu, chức năng lọc của thận suy giảm sẽ kéo theo số lần đi tiểu đêm gia tăng. Tiểu đêm trên 2 lần – nguy cơ suy thận cao. Nước tiểu có chứa nhiều bọt và lâu tan cho thấy lượng protein dư thừa có chứa trong đó. Điều này chứng tỏ chức năng thận đã bị rối loạn. Nước tiểu có chứa máu: Các tế bào máu có thể bị rò rỉ ra bên ngoài theo đường tiểu khi thận bị hư. Dấu hiệu này cho thấy có thể trong thận có chứa khối u hoặc có sỏi. Ngoài ra, một số người còn gặp phải tình trạng nước tiểu màu tối, nhạt hơn bình thường. Khi đi tiểu kèm theo các cảm giác căng tức, buốt, đau và đi tiểu khó khăn.
Ngứa, phát ban, khô da cũng là một trong các dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu. Chất thải, độc tố tích tụ dưới da có liên quan trực tiếp tới các triệu chứng ngứa, phát ban và khô da. Nếu bạn gặp phải trường hợp này mà không rõ nguyên nhân, đừng chần chừ, hãy đi khám tại các cơ sở y tế sớm nhất.
Thường xuyên bị khó thở: Người bị bệnh thận thường có cảm giác hơi thở nông, hay bị hụt hơi. Có 2 nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do lượng hồng cầu giảm có thể kéo theo làm giảm lượng oxy trong cơ thể và chất lỏng dư thừa trong cơ thể sẽ được tích tụ lại trong 2 lá phổi.
Hơi thở có mùi khác lạ: Hơi thở xuất hiện mùi hôi khiến người bệnh ăn không ngon và không còn hứng thú trong chuyện ăn uống, nhất là các món thịt.
Thận là một trong những cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể. Chức năng chính của thận là loại bỏ chất thải, nước dư thừa trong máu. Thận yếu sẽ không thể thực hiện chức năng của mình thì điều ấy rất nguy hiểm bởi các chất độc hại dư thừa trong cơ thể sẽ tích tụ lại và gây ra các hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo: Khi thấy có các triệu chứng trên cùng với buồn nôn, nôn, đau lưng, đau cạnh sườn, ớn lạnh, hoa mắt, chóng mặt, bạn cần đi kiểm tra sức khỏe ngay để phát hiện sớm bệnh suy thận, chữa trị kịp thời.
Phòng ngừa bệnh thận như thế nào? Để ngăn ngừa và làm giảm nguy cơ bệnh thận, mọi người cần áp dụng chế độ ăn uống khoa học, hạn chế sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, đồ ăn nhanh, đồ chiên nấu nhiều lần. - Không nên ăn quá nhiều muối, bởi muối là một trong những nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp và hại thận. - Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích khác. - Mỗi ngày nên uống từ 1,5 – 2 lít nước để đảm bảo cung cấp đủ lượng nước cho thận hoạt động. - Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể dẻo dai, tăng cường sức khỏe. - Kiểm tra sức khỏe định kỳ từ 3 – 6 tháng giúp phát hiện bệnh sớm. |
Nghiên cứu của Bồ Đào Nha phát hiện cà phê có thể giúp người bệnh thận nặng giảm nguy cơ tử vong đến 1/4.