Tưởng cảm lạnh hóa ra ung thư phổi

Sự kiện: Ung thư

Ung thư phổi là bệnh ung thư đứng hàng thứ hai sau ung thư gan. Tuy nhiên, bệnh nhân nhập viện vẫn ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó hơn.

Tưởng cảm lạnh hóa ra ung thư phổi - 1

Ảnh minh họa.

Nhầm với cảm

Ông Nguyễn Văn C. 53 tuổi, Hà Nam vào viện vì lý do ho, đau tức ngực. Ông C. kể ông cảm thấy mình mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ho từ trước Tết. Con gái ông nghĩ bố bị cảm lạnh nên mua thuốc cho uống nhưng không đỡ.

Đến ra Tết, ông đi kiểm tra thì bác sĩ cho biết ông bị viêm phế quản nên kê thuốc về uống. Mỗi lần ho ông C. cảm giác đau tức ngực trái âm ỉ, không sốt. Bệnh nhân đã được điều trị thuốc kháng sinh và thuốc chống viêm nhưng không đỡ nên đến bệnh viện khám. Kết quả, chụp Xquang phổi bác sĩ phát hiện có u ở thùy phổi phải. Nghi ngờ ung thư bác sĩ cho sinh thiết giải phẫu thế bào học.

Kết quả, ông C. bị chẩn đoán ung thư phổi tế bào nhỏ.

Hay như trường hợp của bà Bùi Thị Ngọc Nh. Vào viện vì thấy đau ngực, co giật đau đầu đau lưng đi lại đau và khó khăn, điều trị các thuốc nội khoa không đỡ, không khó thở.

Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có nốt mờ thùy dưới vùng ngoại vi phổi phải và u thượng thận 2 bên, bệnh nhân đến bệnh viện Bạch Mai để khám và điều trị. Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư biểu mô tuyến của phổi di căn não, phổi, thượng thận, di căn xương. Phác đồ lựa chọn là hóa chất toàn thân và xạ phẫu dao gamma quay.

Ông Phan Hữu H. 64 tuổi, quê Thường Tín, Hà Nội được chẩn đoán ung thư phổi 1 tháng trước. Ông H. cho biết sau hôm đi làm về, trời mưa lạnh ông bị ho nhiều, mỗi lần ho đau tức ngực. Ông tưởng mình bị cảm cúm nên mua thuốc về uống nhưng không đỡ.

Biểu hiện ho khan kéo dài, thỉnh thoảng khạc ít đờm hồng, không khó thở. Ông H. đi khám được chụp phim cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện u thùy dưới phổi phải. Hình ảnh xẹp thùy dưới phổi trái, tràn dịch màng phổi trái, khối u vùng rốn phổi trái. Tổn thương nốt mờ rảu rác hai phổi, hạch trung thất trước khí quản kích thước 10 mm.

Tỷ lệ mắc tăng

Theo giáo sư Mai Trọng Khoa – Nguyên Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bệnh ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất và cũng là ung thư gây tỷ lệ tử vong cao nhất trên toàn thế giới. Tại Mỹ mỗi năm có khoảng 174.000 người mới mắc và 160.000 người tử vong. Tại Việt Nam tỉ lệ mắc ở nam khoảng 29,6/100.000 người đứng hàng thứ 2 trong ung thư ở nam giới, sau ung thư gan và là một trong bốn loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới với tỷ lệ mắc 7,3/100.000 dân. Ung thư phổi qua các năm liên tục tăng lên.

Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư phổi bao gồm hai nhóm khác nhau về đặc điểm sinh học, điều trị và tiên lượng: ung thư phổi không phải tế bào nhỏ chiếm khoảng 85% và ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15%. Ung thư phổi tế bào nhỏ thường di căn mạnh và sớm hơn ung thư phổi không tế bào nhỏ. 

Về nguyên nhân, hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi. Có tới 85- 90% ung thư phổi là do hút thuốc. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 -40 lần không hút thuốc. Tỷ lệ mắc ung thư phổi tăng dần theo số lượng thuốc/ngày, thời gian hút thuốc ở cả người hút thuốc chủ động và thụ động. Các yếu tố nguy cơ tiếp theo là khí radon, arsenic, asbetos, khí mustard, nickel, tia bức xạ... ung thư phổi lan tràn theo 3 con đường: đường kế cận, đường bạch huyết và đường máu.

Với ung thư phổi, GS Khoa cho biết việc điều trị hiện nay vẫn nhiều khó khăn do người bệnh đến viện ở giai đoạn muộn. Để điều trị ung thư phổi kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân bác sĩ phải lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, thể mô bệnh học, tình trạng toàn thân.

Giai đoạn sớm có thể phẫu thuật và điều trị hóa chất, xạ trị bổ trợ, khi bệnh ở giai đoạn muộn thì điều trị bệnh là sự kết hợp của đa phương pháp, xạ trị, hóa chất, xạ phẫu, điều trị đích, chăm sóc triệu chứng.

Mặc dù ung thư phổi là bệnh lý rất ác tính, nhưng nếu được chẩn đoán đúng giai đoạn bệnh và phối hợp nhiều phương pháp điều trị thích hợp vẫn làm lui được bệnh, bệnh nhân vẫn có cuộc sống bình thường, chất lượng cuộc sống tốt.

Làm thế nào để ung thư phổi, sát thủ giết gần 100 nghìn người Việt mỗi năm không tìm đến bạn?

Muốn không bị mắc ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác, trước tiên bạn cần hiểu rõ nguyên nhân gây bệnh, những...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN