Tưởng bị tưa lưỡi, hóa ra mắc bệnh bạch sản lưỡi tiền ung thư
Bệnh nhân N.T.T nhập viện trong tình trạng nuốt vướng, kèm rát vùng dưới lưỡi.
Điều đáng nói, người bệnh không hề biết đến căn bệnh này, chỉ nghĩ mình bị tưa lưỡi đơn giản, đã tự điều trị không khỏi, khiến tình trạng bệnh càng trở nên trầm trọng. Trong khi đó, các bác sĩ khuyến cáo trường hợp nặng có thể liên quan đến ung thư miệng và cần được điều trị kịp thời.
Bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ở Đông Sơn, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng nuốt vướng, kèm rát vùng dưới lưỡi. Bệnh nhân đã điều trị nội khoa nhưng không đỡ. Các bác sĩ khoa Tai mũi họng đã khám và phát hiện có mảng bạch sản dưới lưỡi bên phải, kích thước tương đối lớn 2x3cm. Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt tổ chức bạch sản lưỡi cho bệnh nhân.
PGS.TS Lê Minh Kỳ - Khoa Y dược, ĐHQG Hà Nội – chuyên gia cao cấp của Khoa Khám bệnh theo yêu cầu và quốc tế - Bệnh viện E, là người trực tiếp ca phẫu thuật này cho biết: Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cắt hớt niêm mạc lưỡi do bạch sản bằng laser cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, điều khó khăn trong điều trị bệnh này chính là việc người dân vẫn chưa hiểu biết về căn bệnh này, thậm chí thường hay lầm tưởng sang các chứng bệnh khác ở vùng miệng.
“Bạch sản” thường được chẩn đoán bằng khám miệng. Nhiều bệnh nhân bị nhầm lẫn với tưa miệng. Tưa là một dạng nhiễm nấm ở miệng và thường mềm hơn so với bạch sản, có thể dễ chảy máu hơn. Hầu hết các trường hợp nhập viện để điều trị căn bệnh này đều ở giai đoạn muộn, bệnh thường chuyển sang giai đoạn tiền ung thư hoặc ung thư” – PGS Kỳ cho hay.
Theo PGS. TS Lê Minh Kỳ, bệnh bạch sản là thương tổn màu trắng, dày ở lưỡi và niêm mạc bên trong má. Bạch sản thường gặp nhất ở lưỡi nhưng cũng có thể bị tổn thương ở má và lợi. Nhiễm virus Epstein – Barr là nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này. Loại virus này sẽ tồn tại dai dẳng trong cơ thể và có thể bùng phát bệnh ở bất kỳ thời điểm nào, nhất là ở những người có các rối loạn miễn dịch.
Hầu hết những nốt bạch sản có thể tự khỏi. Nhưng ở những vùng này thường tổn thương có đường kính lớn vài cm thì không thể lấy đi bằng cách quệt thông thường lên niêm mạc. Những nốt nhỏ có thể được phẫu thuật loại bỏ bằng sinh thiết rộng hơn như sử dụng laser hoặc dao mổ. Tuy nhiên, nếu kết quả sinh thiết là ung thư miệng, nốt này cần được cắt bỏ ngay lập tức để ngăn chặn sự lan truyền. Điều đáng nói, nguy cơ bị ung thư miệng vẫn tăng cho dù nốt bạch sản đã được lấy bỏ. Có nhiều yếu tố nguy cơ của bạch sản cũng là yếu tố nguy cơ của ung thư miệng. Ung thư miệng có thể đi kèm với bạch sản.
Ngoài ra, PGS. TS Lê Minh Kỳ cảnh báo về mối liên quan giữa căn bệnh này với việc sinh hoạt tình dục không an toàn tăng lên, nhất là khi bệnh ung thư vòm họng, vùng miệng có nguyên nhân từ thuốc lá, rượu bia được kiểm soát tốt. Gần đây, trong một số nghiên cứu chỉ ra rằng, người có quan hệ bằng miệng có nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao hơn nhiều.
Có đến 80% bạch sản niêm mạc miệng thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi, tỷ lệ nam nhiều hơn nữ.
Các bệnh lây truyền thường gặp nhất phải kể đến lậu, giang mai, herpes... và một số bệnh với tần suất gặp ít hơn như căn bệnh bạch sản chẳng hạn. Nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm kể trên sẽ cao hơn nếu miệng có vết loét hoặc vết thương.
Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo cách phòng căn bệnh này, nhiều trường hợp bạch sản có thể phòng ngừa được bằng thay đổi hành vi, nhất là không quan hệ tình dục bằng miệng; Thường xuyên thăm khám định kỳ bởi các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (đã có nhiều bệnh nhân đi khám nhiều chuyên khoa khác như răng hàm mặt, da liễu… mà không chấn đoán ra bệnh).
Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch sản niêm mạc miệng cần đến ngay bệnh viện để được chấn đoán và điều trị kịp thời, tránh để các nốt này phát triển nặng lên, thậm chí thành ung thư nguy hiểm.
Tẩy trắng răng bằng thuốc tại nhà là phương pháp được nhiều người tin dùng hiện nay bởi nó không những đem lại hiệu...
Nguồn: [Link nguồn]