Tưởng bệnh trĩ, hoá ra là ung thư đại tràng

Bị đi ngoài kèm theo ra máu, chị Ngô Thuỳ Dương trú tại Long Biên, Hà Nội tưởng đó là bệnh trĩ nên ra sức uống nước rau diếp cá. Đến khi bệnh nặng đi kiểm tra chị mới biết mình bị mắc bệnh ung thư đại tràng.

Tưởng bệnh trĩ, hoá ra là ung thư đại tràng - 1

Hình ảnh ung thư đại tràng.

Nhầm với trĩ

Chị Ngô Thuỳ Dương 43 tuổi, bà mẹ hai con tâm sự, cách đây 1 tháng chị thấy đi tiểu ra máu. Ngoài ra không có triệu chứng gì kèm theo. Khuôn phân chị không bao giờ để ý nên không rõ hình thù như thế nào.

Lúc đi ngoài ra máu chị còn tưởng bị bệnh trĩ nội vì cách đây vài năm chị cũng bị như thế, đi nội soi trực tràng bác sĩ cho biết đó là trĩ nội độ 2. Bác sĩ kê đơn thuốc về khuyên chị ăn nhiều chất xơ.

Chị Dương về vừa ăn vừa uống thêm nước rau diếp cá để cải thiện tình hình táo bón, tránh bệnh trĩ tái phát. Từ đó đến nay bệnh không bao giờ tái lại nên đợt này thấy đi ngoài ra máu chị nghĩ do thời tiết nóng, ăn nhiều đồ nhiệt nên bệnh trĩ tái phát.

Ngại đi khám phải nội soi và chờ đợi, chị Dương đã tìm đến bài thuốc cũ đó là uống nước rau diếp cá. Cả tuần liền tình trạng không đỡ và đi ngoài ra máu tươi nhiều hơn. Mỗi lần đi ngoài chị lại thấy sợ.

Được chồng động viên, chị Dương đến bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ làm nội soi tiêu hoá phát hiện có khối u ở đại tràng nên khuyên chị Dương chuyển sang bệnh viện K theo dõi. Đến bệnh viện K nội soi lại, sinh thiết tế bào, bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư đại tràng. 

Cũng giống với trường hợp của chị Dương, bà Phan Thị Kính trú tại Sóc Sơn, Hà Nội, đi ngoài ra máu và thường xuyên đau bụng râm rẩm giống với đau bụng kinh. Bà Kính nghĩ đó là bệnh lý tuổi mãn kinh không đi khám. Đến khi sụt cân, xanh sao, rối loạn tiêu hoá lúc táo bón, lúc tiêu chảy vẫn kèm theo máu bà mới đến bệnh viện kiểm tra. 

Lúc này, bệnh ung thư đại tràng của bà Kính đã ở giai đoạn muộn, bác sĩ chẩn đoán khuyên bà Kính nên làm phẫu thuật cắt bỏ khối u và đoạn đại tràng để kéo dài thêm thời gian sống.

Cách nhận biết ung thư đại tràng

Theo Giáo sư Mai Trọng Khoa – Bệnh viện Bạch Mai, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc chuẩn ung thư đại trực tràng theo tuổi là 7,5/100000 dân, đứng hàng thứ năm trong các bệnh ung thư của cả 2 giới. 

Ung thư đại tràng là bệnh lý ung thư ác tính rất hay gặp, đứng thứ 3 trong số các bệnh ung thư đường tiêu hóa chỉ sau ung thư dạ dày và ung thư trực tràng.

Ung thư đại tràng mặc dù tiến triển tương đối chậm và di căn muộn nhưng lại có tỷ lệ tử vong khá cao, chỉ sau ung thư phổi, do các triệu chứng của bệnh rất ít nên khó chẩn đoán.

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1 triệu ca ung thư đại tràng được phát hiện mới và một nửa trong số đó tử vong. Còn ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca mắc bệnh mới và con số tử vong cũng khoảng 50%.

Nguyên nhân gây bệnh ung thư bệnh chưa rõ. Các yếu tố nguy cơ là: chế độ ăn ít rau, nhiều chất béo, mắc các bệnh lý đại- trực tràng: viêm loét mạn tính, polyp, bệnh Crohn, bệnh đa polyp đại trực tràng...

Trong các loại ung thư đường tiêu hoá, thì ung thư đại trực tràng là loại ung thư có liên quan chặt chẽ với các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như các yếu tố di truyền. 

Bệnh nếu được chẩn đoán sớm thì tiên lượng tốt, có thể khỏi bệnh hoàn toàn, do vậy việc sàng lọc, chẩn đoán sớm đóng vai trò quan trọng. Chẩn đoán xác định dựa vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng. Phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật. Hóa chất và xạ trị là biện pháp điều trị bổ trợ, triệu chứng. Điều trị đích bệnh ung thư đại trực tràng thường được chỉ định khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, đã có di căn xa.

Để phòng ung thư đại-trực tràng cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý với hàm lượng đạm, chất béo vừa phải, nhiều hoa quả và rau xanh... Trong trường hợp có tiền sử polyp, hoặc đa polyp đại trực tràng mang tích di truyền thì cần xử lý sớm nhằm tránh ung thư hóa sau này. Để phát hiện sớm, người ta thường làm xét nghiệm, khám sức khỏe định kỳ. Một số trường hợp nếu nghi ngờ bác sĩ cho soi đại-trực tràng để có chẩn đoán xác định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Thúy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN