Tức ngực, khó thở, người đàn ông mắc bệnh hiếm gặp

Khoảng 1 tháng nay, bệnh nhân khó thở và tức ngực khi gắng sức.

Người đàn ông 31 tuổi mắc bệnh lý hiếm gặp gây khó thở, tức ngực khi gắng sức, tổn thương lan tỏa hai bên phổi, đã được các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ rửa phổi.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Khoảng 1 tháng nay, người bệnh khó thở và tức ngực khi gắng sức. Khám lâm sàng ghi nhận bệnh nhân thể trạng tốt, không khó thở khi nghỉ, SpO2 96%, ngón tay dùi trống, phổi giảm thông khí hai bên, không có ran. Các cơ quan khác chưa ghi nhận bất thường.

Hình ảnh tổn thương lan tỏa hai phổi của người bệnh trước khi rửa phổi.

Hình ảnh tổn thương lan tỏa hai phổi của người bệnh trước khi rửa phổi.

Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy tổn thương lan tỏa hai phổi, đây chính là nguyên nhân gây khó thở.

Người bệnh được nội soi phế quản lấy dịch rửa phế quản làm xét nghiệm. Dịch rửa phế quản màu trắng đục, các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao, tế bào ác tính đều âm tính. Dựa trên các dữ liệu lâm sàng, xét nghiệm dịch phế quản và phim chụp cắt lớp vi tính ngực, người bệnh được chẩn đoán “Bệnh tích protein phế nang” và được chỉ định rửa phổi.

Sau khi được rửa phổi, người bệnh đã đỡ khó thở, các thông số chức năng phổi cải thiện và được ra viện sau 1 tuần, và được hẹn vào viện tiếp tục rửa phổi lần 2.

Bệnh tích tụ protein phế nang là một tình trạng tại phổi được gây ra bởi sự tích tụ protein và các chất khác một cách bất thường trong các phế nang, làm cản trở sự trao đổi khí. Đây là một căn bệnh rất hiếm gặp, thường phát triển ở người lớn nhưng cũng có thể là bẩm sinh.

Tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới so với phụ nữ, thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi từ 30 đến 60. Các yếu tố phơi nhiễm như bụi và hút thuốc làm tăng nguy cơ xảy ra bệnh tích tụ protein phế nang nên điều này có thể giải thích tại sao nó xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới.

Bệnh tích tụ protein phế nang được phân loại gồm ba nhóm chính:

Bệnh tích tụ protein phế nang tự miễn: Loại này là phổ biến nhất và được cho là khoảng 90% người trưởng thành mắc loại này, chủ yếu ở độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi.

Bệnh tích tụ protein phế nang thứ phát: Loại này là hệ quả tại phổi khi có một loại bệnh hoặc tình trạng khác hoặc tiếp xúc với một loại độc tố nào đó.

Bệnh tích tụ protein phế nang bẩm sinh: Có một dạng bệnh tích tụ protein phế nang xảy ra do các khiếm khuyết di truyền được truyền lại cho các thế hệ tiếp theo trong gia đình.

Về nguyên nhân gây ra bệnh tích tụ protein phế nang, trong phần lớn các trường hợp mắc bệnh ở người trưởng thành, nguyên nhân được nghi ngờ là do thiếu hoặc có vấn đề với yếu tố kích thích trưởng thành bạch cầu hạt và đại thực bào, là cần thiết để làm cho các tế bào miễn dịch nhất định phát triển. Khi không có chất này, các phế nang không thể xóa sạch các thành phần dịch tráng phế nang có chứa protein. Điều này dẫn đến hệ quả là sự tích tụ một lượng protein nhất định trong phế nang và cuối cùng là làm suy giảm hô hấp.

Triệu chứng của người mắc bệnh tích protein phế nang:

- Cảm giác mệt mỏi, khó thở

- Sụt cân

- Đau ngực

- Sốt

- Ho

- Nồng độ oxy trong máu thấp

- Móng tay dùi trống, đầu chi tím

 Bệnh tích tụ protein phế nang được điều trị như thế nào?

Điều trị chính của bệnh tích tụ protein phế nang cho đến ngày nay vẫn là rửa toàn bộ phổi. Rửa phổi là một thủ thuật xâm lấn bằng cách làm sạch từng bên phổi bằng một lượng lớn nước muối sinh lý trong khi bên phổi còn lại đảm nhận chức năng hô hấp. Hầu hết các bệnh nhân đều cải thiện khá tốt các triệu chứng khó thở, ho, nâng cao nồng độ oxy trong máu sau khi được rửa phổi một lần. Tuy nhiên, rửa phổi không là cách điều trị triệt để; vẫn có một số bệnh nhân cần rửa phổi lặp lại sau một thời gian dài tái phát.

Ngoài ra, người bệnh cần được hướng dẫn các biện pháp nâng đỡ khác như:

- Tránh tiếp xúc với độc tố hoặc chất kích thích

- Thở oxy

- Dùng thuốc giãn phế quản nếu có các triệu chứng giống hen suyễn

- Trong một vài trường hợp, người bệnh bệnh tích tụ protein phế nang có thể được xem xét điều trị bằng phương pháp thay huyết tương hoặc ghép phổi.

Nam thanh niên mắc bệnh hiếm gặp ở dạ dày, không thể nằm

Nam thanh niên 17 tuổi đau tức nhiều ở bụng không thể nằm được, luôn trong tư thế ngồi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TUẤN ANH ([Tên nguồn])
Bệnh lạ hiếm gặp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN