Tuần qua, cả nước có hơn 6.000 người nhập viện vì sốt xuất huyết, Hà Nội 2 ca tử vong
Nếu bệnh nhân mắc sốt xuất huyết không đến viện kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, trong tuần qua (từ 11-18/12), cả nước ghi nhận 7.350 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước (9.671/0), số ca mắc giảm 24%.
Trong đó, số ca nhập viện là 6.048/1, so với tuần trước (8.099/0) số ca nhập viện giảm 25,3%. Tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 354.282 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 133 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (70.383/26) số ca mắc tăng 5 lần, số ca tử vong tăng 107 trường hợp.
(Ảnh minh họa).
Tại Hà Nội, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hà Nội, trong tuần qua ghi nhận 1.165 ca mắc và 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Số ca mắc giảm 11% so với tuần trước (1.309/2).
Hiện nay, thời tiết tại Hà Nội đã lạnh hơn với mức nhiệt không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Dự báo, số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.
So với tháng 10 và tháng 11-2022, CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc mới sốt xuất huyết đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Hiện nay, thời tiết đã lạnh hơn với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Dự báo, số ca mắc sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Tuy nhiên, CDC Hà Nội lưu ý người dân không nên chủ quan, vì thời tiết trở lạnh song nhiệt độ chỉ giảm về đêm và sáng sớm, thời tiết vẫn có nắng từ trưa đến chiều. Do đó, muỗi truyền bệnh vẫn có thể sinh sôi, hoạt động.
Để hạn chế số ca mắc mới, CDC Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Sốt xuất huyết thường kéo dài 5-7 ngày, chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt; giai đoạn nặng và giai đoạn phục hồi. Giai đoạn nặng bắt đầu vào khoảng thời gian hết sốt, thường ở ngày thứ 3 đến ngày thứ 7. Giai đoạn này kéo dài khoảng 24-48 giờ. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có thể có các biểu hiện như: Đau nhức người, nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện vật vã, bứt rứt hoặc li bì.
Người bệnh cần đến khám lại định kỳ theo hẹn của bác sĩ để theo dõi, đặc biệt là những trường hợp giảm tiểu cầu nghiêm trọng; tránh để bệnh diễn biến nặng lên, ảnh hưởng đến chỉ định, thời gian can thiệp ngoại khoa ở những người bệnh có biến chứng nguy hiểm như chảy máu não, chảy máu nội tạng.
Nếu bệnh nhân không đến viện kịp thời bệnh sẽ diễn biến nặng rất nhanh. Diễn biến này tính bằng giờ, bằng phút.
Bác sĩ cảnh báo, năm nay, có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết đi vào sốc nhiễm trùng sớm từ ngày thứ 3 - 5 (trong khi mọi năm thường là ngày thứ 5 – 7).
Nguồn: [Link nguồn]