Từ vụ tử vong sau gây mê: Muốn cắt amidan, phải biết điều này

“Tuy thủ thuật cắt amidan không khó nhưng trình độ gây mê nếu không ổn, ẩu, người bệnh có thể tử vong”.

Từ vụ tử vong sau gây mê: Muốn cắt amidan, phải biết điều này - 1

BV Đa khoa Trí Đức, nơi xảy ra vụ việc khiến 2 người tử vong sau gây mê

Sáng 25/12, ở Bệnh viện Đa khoa Trí Đức đã xảy ra vụ việc khiến 2 bệnh nhân tử vong sau gây mê. Theo Sở Y tế Hà Nội, một trong hai nạn nhân tử vong là anh H.V.T (SN 1982) ở xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đến Bệnh viện Đa khoa Trí Đức cắt amidan, trước khi vào bệnh viện, anh T. hoàn toàn khỏe mạnh.

Sau thông tin này, nhiều người không dám cắt amidan mặc dù được bác sĩ chỉ định.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Hữu Phẩm, Trưởng Khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa Thái Bình nói: “Nếu ai đó muốn cắt amidan nhất định phải biết những điều này”.

Từ vụ tử vong sau gây mê: Muốn cắt amidan, phải biết điều này - 2

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phẩm, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, BV Đa khoa tỉnh Thái Bình

Theo bác sĩ Phẩm, sau khi các bác sĩ chuyên khoa đánh giá mức độ của viêm amidan và bác sĩ sẽ có chỉ định kê đơn điều trị nội khoa (dùng thuốc). Tuy nhiên, nếu, người bệnh được điều trị tích cực, đúng phác đồ, dùng thuốc kháng sinh đúng liều lượng, đủ ngày mà amidan vẫn bị viêm thì bác sĩ sẽ có chỉ định cắt amidan.

“Nên nhớ, cắt amidan là một thủ thuật tuy không phức tạp nhưng phải thực hiện đúng chỉ định”, bác sĩ Phẩm nói.

Nếu amidan bị phì đại to ra gây tắc nghẽn đường thở và có thể gây nên hiện tượng ngừng thở khi trẻ ngủ, gây tím tái (do thiếu dưỡng khí), hay quấy khóc.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Phẩm cho biết, nếu viêm amidan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Chẳng hạn: Viêm mạn tính tái đi tái lại nhiều lần, trong một năm có tới 6 -7 lần viêm cấp tính ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ hoặc amidan to, có nhiều hốc mủ có nguy cơ gây thấp khớp, biến chứng tim, hoặc viêm cầu thận cấp hoặc đã gây thấp tim tiến triển.

Ngoài ra, viêm amidan còn gây ra như viêm phế quản nhiều lần, hen phế quản, viêm tai giữa, viêm xoang hoặc có những trường hợp amidan chỉ quá phát không viêm nhưng gây cản trở đường thở cũng như cản trở ăn uống thì cũng cần được bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm xem xét.

Đồng quan điểm, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội cũng cho biết, cắt amidan phải đúng chỉ định của bác sĩ.

“Tuy thủ thuật cắt amidan không khó nhưng trình độ gây mê nếu không ổn, ẩu, người bệnh có thể tử vong”, bác sĩ Dũng cho hay.

Từ vụ tử vong sau gây mê: Muốn cắt amidan, phải biết điều này - 3

PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Giảng viên Đại học Y Hà Nội.

PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, không nên cắt amidan khi trẻ dưới 5 tuổi (ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch của trẻ. Mặt khác, vì amidan chưa phát triển hết, nếu cắt nó sẽ phát triển lại) và thật thận trọng khi cắt amidan cho người trên 50 tuổi.

Những người trên 50 tuổi có nhiều bệnh kèm theo mà các bệnh đó được chống chỉ định trong cắt amidan như bệnh tăng huyết áp, bệnh về tim mạch (xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành). Hơn nữa ở lứa tuổi này amidan thường bị xơ hoá nếu cắt có thể gây chảy máu nhiều và kéo dài, rất nguy hiểm cho tính mạng...

Cũng theo PGS Dũng, khi quyết định cắt amidan, cần có tư vấn của bác sĩ để lựa chọn phương pháp và biện pháp phù hợp, tránh amidan tái phát.

Phẫu thuật cắt amidan chống chỉ định tuyệt đối trong trường hợp bệnh lý toàn thân không kiểm soát tốt như: Bệnh ưa chảy máu, rối loạn đông máu, cao huyết áp, suy tim...

Cắt amidan không áp dụng trong các trường hợp khi đang có viêm nhiễm cấp tính tại amidan, vùng xung quanh amidan như mũi, xoang và toàn thân như cúm, sởi, sốt xuất huyết… Khi đang có bệnh mạn tính chưa ổn định như tiểu đường, viêm gan, lao, phụ nữ đang thời kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai hoặc đang nuôi con bú.

Cách chăm sóc sau khi cắt amidan

Trong 10 ngày sau cắt amidan nên dùng thức ăn mềm, lỏng, nguội, lạnh. Sau phẫu thuật cần được chăm sóc, nghỉ ngơi tại chỗ. Nếu được chỗ thoáng mát, đủ ánh sáng càng tốt; Vệ sinh răng miệng sau mỗi bữa ăn. Không cố khạc khi vướng họng để tránh bong giả mạc (một lớp màng màu trắng như bông phủ hố amidan, có tác dụng bảo vệ và giúp cầm máu hố mổ, tự bong từ ngày 7 đến ngày 10, không phải là mủ). Đặc biệt, người bệnh phải uống thuốc theo toa và tái khám đúng hẹn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN