Từ vụ trẻ ngừng thở vì bố mẹ rửa mũi bằng xi lanh, bác sĩ hướng dẫn cách rửa mũi đúng

Sự kiện: Sống khỏe

Việc hút rửa mũi giúp trẻ bú hay ngủ thoải mái hơn. Tuy nhiên, không nên áp dụng các phương pháp như vỗ rung đàm, dùng ống xi lanh bơm hoặc rửa nhiều lần...

Hôm qua 12/1, thông tin bé trai 2,5 tháng tuổi ở Thành phố Bắc Giang bị ngừng thở, phải đến bệnh việnh cấp cứu vì bố mẹ dùng xilanh bơm nước muối sinh lý để rửa mũi cho bé khiến dư luận xôn xao, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. 

Đây cũng là hồi chuông cảnh báo cho nhiều bố mẹ đang tự ý áp dụng các video trên mạng mà chưa qua kiểm chứng.

Bé 2,5 tháng tuổi ngừng thở khi mẹ hút mũi. Ảnh: Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang

Bé 2,5 tháng tuổi ngừng thở khi mẹ hút mũi. Ảnh: Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang

Bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết "bé 2,5 tháng tuổi này bố mẹ dùng bơm để bơm nước muối sinh lý là một động tác đẩy một lượng lớn nước muối vào một bên mũi để đẩy đàm nhớt sang mũi bên kia và ra ngoài. Trẻ sẽ bị giật mình do động tác bơm của bố mẹ và hít sặc nước muối, tím tái. May mắn là bé đã được cứu sống". 

Cũng theo bác sĩ Sang, việc hút rửa mũi mục đích là giảm đàm mũi cho trẻ, giúp trẻ bú hay ngủ thoải mái hơn. Tuy nhiên, không nên áp dụng các phương pháp như vỗ rung đàm, bơm nước muối rửa mũi... tại nhà vì nguy cơ hít sặc và tai biến rất cao. 

Bác sĩ Sang cho biết, hiện nay có rất nhiều người mở phòng tập “long đàm” chưa có chứng chỉ hành nghề, thực sự việc này rất nguy hiểm cho trẻ. Nếu đứa trẻ bị hít sặc, tím tái, ngưng thở…. không cấp cứu đúng cách, đứa trẻ có thể di chứng chết não sau 4 phút thiếu oxy.

Với trẻ sơ sinh, khi sổ mũi thì trong 2-3 ngày đầu sẽ sổ mũi nhiều và trắng trong. Sau đó, nước mũi sẽ đặc dần và có thể chuyển sang màu xanh. Tuy nhiên, đó không phải là biểu hiện bệnh nặng hơn. Khi trẻ sốt cao hơn, người đừ, thở mệt cùng những bất thường khác thì cha mẹ phải theo dõi sức khỏe con sát sao, còn nếu chỉ là đàm mũi đặc và xanh thì không đáng lo.

Nước mũi tái lập lại rất nhanh sau 2-3 tiếng nên việc hút rửa mũi chỉ giúp bé bú dễ dàng hay vào giấc ngủ ngon hơn thôi. Do vậy, việc hút rửa mũi không nên làm thường xuyên.

Theo bác sĩ Sang, tuyệt đối phụ huynh không dùng que gòn lấy đàm bé.

Theo bác sĩ Sang, tuyệt đối phụ huynh không dùng que gòn lấy đàm bé.

Bác sĩ Sang cũng chia sẻ cách vệ sinh mũi tại nhà cho bé dưới 2 tuổi. Theo đó, phụ huynh đặt trẻ nằm ngửa, hơi ngửa đầu bé nhẹ ra sau (có thể dùng 1 gối nhỏ chèn sau cổ) rồi nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý hoặc xịt 1-2 xịt nước muối vào một bên lỗ mũi. Đợi 30-40 giây rồi nghiêng bé sang bên phải và để nước mũi chảy ra hoặc dùng dụng cụ hút mũi và nước muối chảy ra. Tiếp đó dùng khăn giấy lau sạch nước mũi chảy ra từ mũi và miệng. Nếu có một ít giọt nước chảy vào miệng bé, điều đó là bình thường, phụ huynh không phải lo lắng.

Phụ huynh có thể tự làm nước muối sinh lý tại nhà để vệ sinh cho trẻ. Tuy nhiên, nước muối tự làm nên lưu trữ 1-2 ngày, sau đó phải làm lại nước muối mới.

Cách làm nước muối tại nhà: Đun sôi 200 ml nước sạch, thêm ¼ muỗng cà phê muối vào và khuấy đều, để nguội nhiệt độ phòng. Cuối cùng cho vào lọ xịt hoặc lọ sạch.

Bên cạnh đó, bác sĩ Sang lưu ý các cha mẹ đó là, nếu bé sổ mũi thì hút xong khoảng 2-3 tiếng sau cũng sẽ chảy mũi lại. Điều quan trọng là khi hút sạch mũi, bé bú hay ngủ sẽ dễ dàng và dễ chịu hơn. Việc rửa hút mũi chỉ nên thực hiện 3-4 lần/ngày, không nên lạm dụng vì có thể làm khô và trầy xước niêm mạc mũi của bé.

"Tất cả trẻ không nên áp dụng các phương pháp như vỗ rung đàm, bơm nước muối rửa mũi... tại nhà vì nguy cơ hít sặc và tai biến rất cao. Các kỹ thuật trên nên làm tại bệnh viện với chuyên viên có chuyên môn và nguồn oxy cấp cứu khi cần thiết" - bác sĩ Nguyễn Thanh Sang khuyến cáo.

Nguồn: [Link nguồn]

Bé trai 3 tuổi bị đột quỵ, triệu chứng ở trẻ em cũng giống người lớn

Đang chơi đùa với bạn, cậu bé 3 tuổi bất ngờ gục xuống, co giật, bất tỉnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Vân ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN