Từ vụ vận động viên ngã gục trước vạch đích giải chạy: Người cao huyết áp có nên tham gia?
Tại giải chạy Tay Ho Half Marathon 2024 diễn ra sáng 14/4, nam thanh niên bỗng ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m.
Ngày 16/4, UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đã có báo cáo tổ chức giải chạy Tây Hồ Half Marathon 2024 và giải chạy đồng hành Kids Run the Earth.
Giải chạy được tổ chức với sự đăng ký tham gia của hơn 11.000 vận động viên.
(Ảnh minh họa).
Quá trình tham gia giải chạy, có 14 trường hợp cần hỗ trợ y tế. Trong đó, có 6 trường hợp cần đưa đến bệnh viện, 5 người sức khoẻ đã ổn định, 1 người diễn biễn nặng, đang được theo dõi tại Bệnh viện Bạch Mai. Trường hợp bị nặng là vận động viên P.B.M. (34 tuổi, ở Thanh Hóa).
Cụ thể, vào 5h55, sáng 14/4, vận động viên M bị ngã gục khi chỉ cách vạch đích khoảng 100m.
Sau sự cố, anh M được đội ngũ y tế cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ rồi đưa vào Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2 cấp cứu, và tiếp tục được chuyển vào Bệnh viện Bạch Mai để cứu chữa.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, vận động viên M. diễn biến nặng, hiện đang được tiếp tục theo dõi điều trị tại trung tâm hồi sức tích cực.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị Coversyn, huyết áp nền 130/70mmHG.
Theo PGS.TS. Võ Tòng Kha, Bệnh viện Thể thao, tập thể dục, chạy để nâng cao sức khỏe rất tốt. Tuy nhiên, nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp. Thậm chí gây nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...
Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám, hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.
Có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như: hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW.... Những trường hợp này chủ quan, cố tập luyện thể dục thể thao với lượng vận động lớn, trong điều kiện vệ sinh an toàn tập luyện kém, sẽ dẫn đến các tai nạn, cấp cứu, đột tử trên sân tập.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe trước khi thi đấu các giải thể thao dù cho đó là giải quần chúng. Điều này rất quan trọng đối với những bộ môn gắng sức, lượng vận động lớn, kéo dài như kéo co, chạy marathon, việt dã, đá bóng…
Theo đó, những môn gắng sức đột ngột hoặc kéo dài thời gian vận động dễ gây ra tăng huyết áp đồng thời kiệt sức, từ đó gây thiếu máu não, nhồi máu cơ tim gây đột quỵ…
Những người có bệnh mãn tính về tim mạch, huyết áp, mỡ máu, người có tiền sử bệnh phổi mãn tính, hen phế quản, người béo phì hoặc người sau 40 tuổi càng phải lưu ý đặc biệt hơn… Những người này có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý tiềm ẩn như: Bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp… Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân sẽ được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.
Nguồn: [Link nguồn]
Bệnh nhân trẻ, nam giới 32 tuổi, khi đang chơi cầu lông cùng bạn, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người trái và thất ngôn.