Bé trai tử vong vì bị điện giật: Thực hiện ngay những điều này để phòng tránh điện giật cho trẻ
Vụ việc của học sinh tiểu học ở Hà Nội bị điện giật mới đây khiến nhiều phụ huynh giật mình. Để con an toàn khi tiếp xúc với thiết bị điện, điện tử, phụ huynh cần đặc biệt lưu tâm để phòng tránh điện giật.
Mới đây một bé trai 9 tuổi ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) tử vong vì bị điện giật khi học trực tuyến tại nhà. Theo thông tin ban đầu của cơ quan chức năng, bố của bé trai sau khi kết nối cho bé D. học trực tuyến đi ra ngoài có việc. Bé trai đã dùng kéo chọc vào ổ điện dẫn tới bị điện giật. Người bố sau khi ra ngoài trở về, bé đã bị điện giật tử vong.
Hiện trường sự việc bé trai bị điện giật tử vong khi học trực tuyến ở nhà. Ảnh TL
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Trường Luyện – nguyên cán bộ Viện Vật lý kĩ thuật (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trẻ nhỏ thường hiếu động nhưng hay tò mò, thích khám phá mọi thứ xung quanh nên các vật dụng trong nhà rất có thể sẽ trở thành mối nguy hiểm với trẻ, trong đó có điện và thiết bị điện. Đã có không ít trường hợp bị điện giật dẫn tới chấn thương nặng, thậm chí tử vong.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều địa phương hiện nay, học sinh phải học online. Các cháu học tập tại nhà bằng các thiết bị điện tử nên càng cần phải giám sát. Sự việc bé trai bị điện giật khi học trực tuyến là điều rất đáng tiếc. Nếu có thể, cha mẹ nên dành thời gian theo dõi quá trình học của con. Nhiều em không tập trung lại hiếu động thường tò mò kiểm tra máy móc, nguồn điện, nhất là các em ở bậc tiểu học chưa có nhận thức về nguy cơ tai nạn với các nguồn điện.
Ảnh minh họa
Theo PGS.TS Nguyễn Trường Luyện, cha mẹ cần lưu tâm đến các yêu cầu an toàn trước khi bàn giao thiết bị cho con sử dụng để tránh sự việc đáng tiếc. Theo đó trước khi con bắt đầu buổi học, người lớn cần kiểm tra các thiết bị điện, điện tử. Đồng thời, chủ động nhắc nhở, giáo dục con về các tai nạn điện giật có thể xảy ra. Cha mẹ để cho trẻ nhận thức rõ nguy hiểm từ việc tò mò với những nguồn điện như ổ cắm điện, dây kết nối nguồn điện…
Việc dạy trẻ nguyên tắc an toàn về điện là điều rất cần thiết. Dạy, nhắc nhở trẻ không đưa bất kì vật dụng nào vào ổ cắm điện vì có thể gây chập điện, cháy nổ. Với trẻ dưới 6 tuổi, cha mẹ cần nhắc nhở khi cần cắm điện hoặc bật công tắc hãy nhờ đến sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ lớn hơn 6 tuổi hướng dẫn trẻ giữ tay thật khô và đi dép nhựa khi cần cắm điện hoặc bật công tắc. Nếu quá trình học có sự cố về điện cần báo với bố mẹ, không được tự ý sửa chữa.
Ngoài ra, vì điều kiện một số gia đình sử dụng laptop, điện thoại… thời gian dài dẫn đến tuổi thọ pin giảm mạnh. Khi trẻ học vừa phải dùng vừa cắm sạc, nguy cơ điện giật, cháy nổ rất cao. Tốt nhất trước khi để trẻ dùng thiết bị để học, cha mẹ có thể sạc pin đầy để cho con đủ dùng trong suốt quá trình học. Bàn để máy laptop học của trẻ không được để ẩm ướt. Đồng thời, cha mẹ nhắc trẻ tuyệt đối không đặt laptop trên người. Điều này vô tình làm giảm đi phần diện tích thoát nhiệt của máy làm cho laptop nhanh bị nóng hơn. Quạt gió tản nhiệt của bộ nguồn bị ngưng hoạt động, nguồn không được tản nhiệt mà nóng lên quá mức dễ gây cháy nổ.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, phòng tránh điện giật cho trẻ nhỏ các gia đình cần chủ động trong thiết kế đường dây điện an toàn trong nhà. Theo đó chú ý các vấn đề như: Dùng các ống luồn dây điện để đường đây được gọn gàng, tránh bị chuột cắn, đồng thời bảo vệ trẻ không bị điện giật nếu có lỡ đụng vào. Đường dây điện nên thiết kế âm tường tránh cho trẻ nhỏ nghịch, đụng vào dây điện; Với các ổ điện cần thiết kế cao hơn tầm với của trẻ hoặc dùng nắp che ổ điện ngăn cho trẻ chọc tay vào; Gia đình có điều kiện có thể dùng loại ổ cắm, phích cắm 3 chấu an toàn hơn vì có chấu nối đấy sẽ bảo vệ mạng sống nếu trường hợp bị rò rỉ điện; Các thiết bị điện tử không dùng nữa cần rút phích cắm điện ra; Các loại dây sạc, dây nối của các thiết bị điện thoại, máy tính,.. nên được cất kỹ sau khi sử dụng tránh trường hợp trẻ nhỏ nghịch ngợm và cho đầu sạc vào mũi.
Trong trường hợp thấy trẻ bị điện giật, các bậc cha mẹ cũng cần biết cách để xử lý nhanh. Trước khi chạm vào trẻ cần ngắt hết các nguồn điện. Nếu có dây điện trên người trẻ thì dùng tờ báo, quần áo dày hoặc vật cứng không dẫn điện… nhấc dây ra khỏi người trẻ. Kiểm tra sự sống của trẻ, gọi xe cấp cứu. Trong thời gian gọi cấp cứu đồng thời hô hấp nhân tạo khi thấy trẻ không có nhịp tim, không thở…
Nguồn: [Link nguồn]
Theo nguồn tin của phóng viên, một học sinh sinh năm 2012 là học sinh Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa Hà Nội...