Từ vụ bé gái tử vong vì hóc trân châu, cha mẹ phải nhớ những điều này kẻo ân hận suốt đời

Sự kiện: Sống khỏe

Cha mẹ tuyệt đối phải nhớ những điều này khi cho trẻ dùng trà sữa trân châu để không phải ân hận suốt đời.

Ngày 7/8, BS Phan Xuân Trung đã chia sẻ thông tin liên quan đến sự việc một bé gái 11 tuổi tử vong vì uống trà sữa trân châu.

BS Trung chia sẻ: “Một nữ đồng nghiệp của tôi tháng trước bị mất một đứa con gái 11 tuổi. Bé đang khoẻ mạnh, tung tăng và chơi cùng mẹ. Mẹ là bác sĩ chuyên khoa 2 về hô hấp. Bé mất đột ngột vì một lý do rất vô lý. Sự việc xảy ra khi hai mẹ con vui vẻ cùng tự tay làm món trà sữa trân châu. Món ngon cả hai mẹ con cùng thích. Hạt trân châu bằng bột, dẻo dẻo, dai dai, dính dính. Nước trà sữa ngọt ngào, thơm ngon. Chiếc ống hút to bự đưa từng ngụm trà sữa cùng những hạt trân châu vào miệng. Nhai dai dai, dẻo dẻo. Có một hạt kẹt trong ống nên bé hút mạnh và hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng của bé làm tắc đường thở! Bé chới với vì nghẹn thở. Bé không thể hít vào hay thở ra.

Mọi phương pháp giải thông đều vô hiệu. Nghiệm pháp Heimlich vô hiệu. Hạt bột dính chứ không trơn như hột me hay hòn bi. Người mẹ không thể làm gì trong cơn hoảng loạn đó. Khi đưa bé đến bệnh viện thì bé không còn cơ hội sống”.

Từ vụ bé gái tử vong vì hóc trân châu, cha mẹ phải nhớ những điều này kẻo ân hận suốt đời - 1

Cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ vừa uống trà sữa vừa nói chuyện, vừa nô đùa

Qua sự việc này, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, các bà mẹ hãy cảnh giác với ống hút và hạt bột trân châu. Đặc biệt, cha mẹ tuyệt đối phải nhớ những điều này khi cho trẻ dùng trà sữa để không phải ân hận suốt đời.

1. Không cho trẻ vừa uống trà sữa, thức ăn vừa nói chuyện, vừa nô đùa

Ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, phản xạ nuốt - thở chưa hoàn thiện, do đó dễ bị sặc, nghẹn hơn người lớn. Nếu trẻ đang ăn mà “mất tập trung” do chơi đùa, nguy cơ này càng cao.

Một hiện tượng khác mà trẻ em hay người lớn đều có thể gặp nếu “mất tập trung” khi ăn uống, đó là sự rối loạn đồng vận các cơ nuốt. Cơ trong miệng phải làm nhiệm vụ nhai, nuốt thì lại bị sử dụng sang mục đích khác khi công việc chính chưa kịp hoàn tất và sự đan xen, rối loạn này dễ dẫn đến sặc, nghẹn thức ăn. Vì vậy, vừa ăn vừa nói vừa chơi… không phải là phương án an toàn để giúp trẻ ăn.

2. Hóc trân châu, thạch dễ tử vong hơn

Nếu hóc dị vật cứng nhỏ, trẻ có cơ may sống sót cao hơn vì dị vật này có thể rớt vào đường thở nhưng không bít hết. Nhưng khi ăn thạch rau câu hay trân châu mềm, dẻo, trẻ sặc sẽ bị bít chặt đường thở, không ho ra được. Việc gắp cục thạch hay hạt trân châu ra cũng rất khó bởi nó rất trơn.

3. Không vuốt cổ, vuốt ngực, móc họng khi trẻ hóc

Khi thấy con bị hóc, cha mẹ nên bình tĩnh bởi nhiều người khi phát hiện trẻ tự ý cho hạt hay đồ chơi vào miệng la hét lên hốt hoảng, cố gắng vuốt cổ, vuốt ngực, móc họng bé. Điều này chỉ khiến con sợ hãi và dị vật chui vào càng sâu hơn.

4. Các thao tác xử trí trẻ bị hóc

- Một tay giữ bé, một tay dùng lòng bàn tay vỗ thật mạnh 5 – 7 cái vào lưng bé, chỗ giữa hai xương bả vai. Hành động này sẽ khiến áp lực trong lồng ngực trẻ tăng lên để tống đẩy dị vật ra ngoài.

- Sau khi thực hiện xong mà trẻ vẫn khó thở và tím tái, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa, dùng hai ngón trỏ ấn nhanh, mạnh, đột ngột vào xương ức.

- Nếu thấy cháo, sữa, canh… chảy từ mũi, miệng ra, cha mẹ cần hút sạch để thông đường thở cho con. Việc này cần làm sớm để tránh sữa không ứ đọng trong mũi, miệng.

- Đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, phụ huynh có thể dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực. Lấy 3 ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa chĩa ra) ấn mạnh 5 lần vào vùng thượng vị (vùng trên rốn và dưới xương ức).

- Làm động tác này tới khi nào bé thấy đỡ hơn, tỉnh táo hơn. Song song với việc đó là gọi xe cấp cứu.

- Với những bé còn tỉnh táo, nói được, cha mẹ nên để trẻ đứng thẳng. Một người đứng ra sau lưng, ôm ngang thắt lưng bé, một tay tạo thành nắm đấm ấn mạnh lên vùng thượng vị, dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh theo hướng từ dưới lên trên liên tiếp.

- Trường hợp trẻ hôn mê, cha mẹ cần đặt bé nằm ngửa. Người sơ cứu quỳ gối, nắm 2 bàn tay thành 2 nắm đấm, đột ngột ấn vào dưới xương ức của trẻ. Ấn mạnh liên tiếp tới khi nào bé tỉnh. Sau đó đưa bé ngay vào viện.

Thương tâm những đứa trẻ chết tức tưởi vì hóc thạch, hóc hạt vải

Dù đã rất nỗ lực nhưng các bác sĩ đã không thể cứu sống bé trai xấu số bị hóc thạch bởi quãng thời gian bé bị ngưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN