Từ vụ 8 người tử vong ở Lai Châu: Đừng để chết oan vì rượu

Sự kiện: Thời sự

Methanol là một chất cồn, một số thương lái đã dùng chất này hòa tan với nước để tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng.

Từ vụ  8 người tử vong ở Lai Châu: Đừng để chết oan vì rượu - 1

Bệnh nhân ngộ độc rượu do dùng rượu chứa methanol may mắn sống sót. 

Phải kiểm soát nơi sản xuất rượu truyền thống

Ngày 15/2, Cục An toàn thực phẩm công bố kết luận ban đầu về nguyên nhân 7 người tử vong sau ăn tối ở Lai Châu.

Theo đó, kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu ngày 15/2/2017 của Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, 3 mẫu rượu này có kết quả kiểm nghiệm hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép nhiều lần.

Do vậy, bước đầu xác định nguyên nhân gây tử vong có thể do các nạn nhân sử dụng rượu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng.

Sau sự việc này khiến nhiều người giật mình, không biết làm thế nào để uống rượu mà không gây ngộ độc. Các chuyên gia y tế sẽ có những tư vấn cụ thể để mọi người có thể nhận biết được rượu chứa methanol và uống rượu như thế nào là đủ.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, methanol là một chất cồn, một số thương lái đã dùng chất này hòa tan với nước theo tỉ lệ nhất định để tạo ra rượu bán cho người tiêu dùng (hay còn gọi là rượu giả, rượu bẩn).

Rượu này uống vẫn có độ cồn, vẫn tạo cảm giác say, nếu uống nhiều sẽ gây hậu quả khôn lường, nhẹ có thể gây tổn thương võng mạc, tổn thương thần kinh thị giác, nặng có thể dẫn đến mù lòa. Trên thực tế, nhiều trường hợp uống rượu có hàm lượng methanol cao đã bị ngộ độc và tử vong.

Do đó, để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu chứa cồn công nghiệp bác sĩ Nguyên đề xuất “nên đưa các cơ sở sản xuất rượu truyền thống vào quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng đẩy người uống vào chỗ chết”.

ThS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế cũng hướng dẫn người tiêu dùng cách phân biệt rượu có methanol để phòng tránh.

Để nhận biết rượu có chứa methanol, nếu nhìn bằng mắt, ngửi hoặc nếm thì rất khó nhận biết. Theo đó, nếu nhìn cảm quan bên ngoài, người tiêu dùng nên mua những loại rượu có đầy đủ nhãn mác, thông tin như tên sản phẩm, tên địa chỉ của nhà sản xuất, tên địa chỉ của nhà nhập khẩu...

Bà Nga khuyến cáo, người dân cần sử dụng rượu có nguồn gốc, rượu của những cơ sở có thương hiệu uy tín và không sử dụng những loại rượu trôi nổi trên thị trường.

Uống bao nhiêu là đủ?

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng cảnh báo, ngộ độc rượu do uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).

Mỗi đơn vị tương đương: 1 lon bia 270-330ml 2-12 độ hoặc 1 chén rượu vang 125ml 9-18 độ hay 1 chén rượu mạnh 40ml 40 độ. Nam giới uống quá 3 đơn vị rượu/ngày; nữ giới uống quá 2 đơn vị rượu 1 ngày được coi là lạm dụng rượu.

Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người dân không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong; không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

Ngoài ra, người dân không nên uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị. Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN