Từ vụ 6 trẻ tử vong do virus Adeno, trẻ mắc bệnh khi nào cần đi khám?
Khi trẻ xuất hiện sốt cao, có thể kèm đau mắt, rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên đưa con đến viện khám để được chẩn đoán, điều trị.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu các địa phương, bệnh viện tăng cường phòng chống dịch do virus Adeno, hạn chế lây lan ra diện rộng.
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã phát hiện 412 trường hợp mắc bệnh do virus Adeno. Trong đó 76% (324 bệnh nhân) có chỉ định nhập viện. Số mắc có xu hướng tăng từ tháng 8 và đã có 6 trẻ tử vong.
Bệnh nhi nhiễm Adenovirus đang được điều trị tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca mắc, ổ dịch do virus Adeno, triển khai xử lý triệt để ổ dịch, hạn chế lây lan ra diện rộng. Đồng thời, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tốt công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo. Các cơ sở cũng cần hướng dẫn người chăm sóc, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh và tuân thủ biện pháp dự phòng lây nhiễm; không để lây lan và bùng phát các ổ dịch tại cơ sở y tế.
Bộ Y tế cũng lưu ý tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh do virus Adeno, trong đó tập trung vào khuyến cáo phòng chống lây nhiễm.
Cụ thể: thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch; che miệng, che mũi khi ho, hắt hơi; không dùng chung vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh...
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cần khẩn trương phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương rà soát, điều tra, phân tích dịch tễ học các trường hợp mắc, tử vong do virus Adeno để kịp thời báo cáo và đề xuất giải pháp phòng chống.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tăng cường giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh của địa phương khu vực phụ trách để phân tích, đánh giá nguy cơ, nhận định, dự báo tình hình dịch.
Cần đi khám khi nào?
Trẻ nhiễm Adenovirus rất dễ nhầm lẫn với các loại sốt virus thông thường khác. Vì thế, khi trẻ xuất hiện sốt cao, có thể kèm đau mắt, rối loạn tiêu hóa, cha mẹ nên đưa con đến viện khám để được chẩn đoán, điều trị.
Khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ mắc Adenovirus sẽ được làm các xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán như: xét nghiệm máu, chụp X-Quang tim phổi, xét nghiệm xác định căn nguyên bằng kỹ thuật Realtime PCR.
Hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa Adenovirus, vì thế cách tốt nhất để kiểm soát bệnh lây lan là phát hiện sớm, cảnh giác với các yếu tố lâm sàng, yếu tố dịch tễ để không bỏ lỡ xét nghiệm.
Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, li bì, thi thoảng co giật, khi xét nghiệm, bác sĩ kết luận trẻ bị nhiễm virus cúm A.
Nguồn: [Link nguồn]