Từ vụ 24 người bị phơi nhiễm HIV, phải làm gì khi gặp tình huống này?
Cả 24 bệnh nhân bị phơi nhiễm HIV sau khi tham gia cấp cứu tai nạn giao thông đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu.
Ngày 2/7, xảy ra vụ tai nạn giao thông tại địa phận xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum do 2 xe đâm nhau.
Trong số các nạn nhân tử vong có 1 người nhiễm HIV, điều này chỉ được phát hiện sau quá trình cứu nạn, cấp cứu, 17 cán bộ y tế và 7 người dân tham gia có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân.
Nhiều người đang vô cùng hoang mang và lo lắng. Vậy, phải làm gì khi bị phơi nhiễm HIV, PV đã có cuộc phỏng vấn TS.BS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
TS.Bs Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS
Theo thông tin ban đầu, nạn nhân tử vong ở Kon Tum bị nhiễm HIV mới điều trị ARV từ tháng 5 vừa rồi. Vậy, ông đánh giá nguy cơ bị phơi nhiễm sang người khác trong trường hợp này?
Theo báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum, nạn nhân này đã điều trị ARV nhiều năm rồi. Về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ virus HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Mặt khác, 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay. Do vậy, hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.
Trong 24 người, đợt uống sớm nhất là trưa 1/7, muộn nhất là trưa 2/7. Vụ tai nạn xảy ra trưa 30/6, theo ông việc cho uống thuốc ARV như vậy có kịp thời?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS, việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV nên thực hiện càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ. Như vậy, cả 24 bệnh nhân này đều được điều trị ARV trong vòng 48 giờ đầu sau phơi nhiễm. Đây là thời gian tối ưu mà Bộ Y tế đã khuyến cáo.
24 trường hợp này sẽ uống thuốc trong thời gian bao lâu và theo dõi như thế nào? Khi nào có thể khẳng định họ hoàn toàn an toàn không bị nhiễm HIV, thưa ông?
Việc điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV kéo dài liên tục trong thời gian 28 ngày, tức 4 tuần. Trong thời gian này, họ cần được tư vấn để theo dõi về tác dụng phụ có thể có của thuốc ARV. Không nên ngừng điều trị khi có tác dụng phụ nhẹ và thoáng qua. Nếu có các tác dụng phụ nặng cần đến các cơ sở y tế ngay.
Những người đang điều trị cũng được tư vấn hỗ trợ tâm lý nếu cần, tư vấn tuân thủ điều trị.
Việc xét nghiệm HIV sẽ được làm lại sau 3 tháng theo quy định. Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV.
Những trường hợp này có phải nghỉ ở nhà hay vẫn đi làm bình thường?
Theo quy định về chế độ đối với người bị phơi nhiễm do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, những người bị phơi nhiễm HIV do rủi ro nghề nghiệp được nghỉ việc 20 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp để điều trị dự phòng.
Hiện nay các thuốc ARV được lựa chọn điều trị là khá an toàn với người sử dụng và cũng rất ít tác dụng phụ. Tuy vậy, một số người mới uống có thể có cảm giác mệt mỏi, triệu chứng này sẽ nhanh qua. Do vậy, những người dùng thuốc mà khỏe mạnh, họ có thể đi làm bình thường nếu muốn. Những trường hợp có phản ứng phụ của thuốc như dị ứng, mệt mỏi nhiều cần đến cơ sở y tế để được tư vấn và có thể đổi phác đồ điều trị.
Vậy, phải làm gì khi bị phơi nhiễm HIV?
Bước 1: Rửa vết thương bằng xà phòng và nước sạch sau đó sát trùng bằng Javel, cồn 70 độ trong 5 phút.
Nếu bị bắn vào mắt mũi thì rửa bằng nước cất hoặc nước muối NaCl 0,9% liên tục trong 5 phút.
Nếu bị bắn vào miệng thì súc bằng dung dịch Nacl 0,9% nhiều lần.
Bước 2: Đi khám ngay.
Bước 3: Uống thuốc kháng virus HIV càng sớm càng tốt, từ 2-6 giờ và trước 72 giờ sau khi bị phơi nhiễm.
Bước 4: Xét nghiệm.
Bước 5: Uống thuốc có tác dụng phụ (sốt phát ban, buồn nôn…) cũng không được ngưng thuốc.
Bước 6: Ngừa lây nhiễm. Dù xét nghiệm âm tính vẫn cần phải dự phòng lây nhiễm bằng cách quan hệ tình dục an toàn, tiêm chích an toàn...
Bước 7: xét nghiệm lại, HIV âm tính vẫn phải kiểm tra lại sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.
Cảm ơn ông!
17 y bác sĩ và 7 người dân có liên quan nghi ngờ phơi nhiễm HIV khi tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV.