Tử vong vì bấm huyệt sai cách

Nếu bấm huyệt sai cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như liệt, thậm chí tử vong.

Tử vong vì bấm huyệt sai cách - 1

Một bệnh nhân đau cổ, vai, gáy đang được điều trị bằng phương pháp bấm huyệt, châm cứu. Ảnh: Lê Hồng

Là một trong các liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc rất hữu hiệu, song nếu bấm huyệt sai cách có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm như liệt, thậm chí tử vong…

Vừa làm vừa… học?

Hơn một tháng nay, chị Đỗ Thu Hương, nhà ở Nghĩa Tân, Hà Nội trở thành khách hàng quen  của cơ sở bấm huyệt trong ngõ 82 cùng phố. Sau khi sinh con một thời gian, chị Hương thường xuyên bị đau lưng, nhiều khi không đứng thẳng được. Nghe có người mách bệnh của chị có thể chữa khỏi bằng phương pháp bấm huyệt, chị tìm đến cơ sở ngay gần nhà này. “Dù hôm đi hôm nghỉ, song sau hơn một tháng được chữa trị, tôi thấy lưng đỡ đau hơn. Họ bảo bệnh của tôi muốn khỏi phải kiên trì trong vài tháng liên tục. Chưa biết kết quả thế nào, nhưng mỗi lần trị liệu xong, tôi cũng có cảm giác dễ chịu”, chị Hương nói.

Chị Thúy, chủ cơ sở bấm huyệt cho biết, khách hàng đến đây, nhiều người đau nhức toàn thân, nhẹ thì đau đầu, mỏi chân tay. Tuy nhiên, quan sát của PV Báo Giao thông, không ai cần được khám lâm sàng và hầu như tất cả đều được bấm huyệt theo cùng một “phác đồ”, hoặc theo yêu cầu của khách.

Mặc dù có bệnh mới tìm đến bấm huyệt, song nhiều khách hàng có chung tâm lý, dẫu chưa khỏi bệnh thì cũng giúp lưu thông khí huyết, thư giãn, nên nhu cầu này ngày càng tăng.

Không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng điều trị bằng phương pháp xoa bóp, bấm huyệt. Những trường hợp chấn thương cả vết thương kín và vết thương hở, khi bị tổn thương ở cơ, xương, khớp, vùng bị viêm nhiễm tấy đỏ hoặc lở loét, các chứng bệnh ngoại khoa như viêm ruột thừa, thủng dạ dày, viêm vòi trứng vỡ thì tuyệt đối không được xoa bóp, bấm huyệt”. 

Lương y Vũ Quốc Trung

Chỉ cần một từ khóa trên Google sẽ ra hàng trăm kết quả về dịch vụ bấm huyệt, được quảng cáo có thể giúp phục hồi các di chứng liệt trong tai biến mạch máu não, liệt hai chi dưới, tứ chi do chấn thương, viêm tủy, liệt mặt, đau thần kinh tọa, các bệnh lý thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, rối loạn thần kinh thực vật...

Điều đáng nói là người bệnh khó kiểm chứng được những bác sỹ, lương y trong quảng cáo thật sự có kiến thức chuẩn mực về xoa bóp, bấm huyệt trị bệnh hay chỉ là những người được đào tạo vài ba tháng rồi hành nghề. Trong khi đó, nhiều cơ sở bấm huyệt khi tuyển nhân viên cũng không cần bằng cấp, chứng chỉ.

Vào vai một người đang có nhu cầu tìm việc làm, chúng tôi liên hệ với một cơ sở bấm huyệt đang tuyển dụng nhân viên số lượng lớn tại Thanh Xuân, Hà Nội. Chủ cơ sở cho biết, không yêu cầu bất cứ bằng cấp, chứng chỉ nào, ai trúng tuyển thì vừa làm vừa học!

Kỹ thuật phức tạp, cần chính xác cao

Trao đổi với phóng viên, Lương y Vũ Quốc Trung (Phòng khám Đông y chùa Cảm Ứng, Hà Nội) cho biết, xoa bóp bấm huyệt là một trong các liệu pháp chữa bệnh không dùng thuốc rất hữu hiệu. Tuy nhiên, để phát huy được công dụng này đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức nhất định về Đông y và Tây y.

Trên cơ thể con người có khoảng gần 1 nghìn huyệt, vì vậy trị bệnh bằng phương pháp bấm huyệt là một kỹ thuật phức tạp và cần sự chính xác cao. Thông thường, những động tác trong xoa bóp, bấm huyệt phải dựa trên cơ sở khí huyết, kinh lạc tạng phủ. Nếu một người bệnh mà cơ thể hư, yếu, có bệnh cột sống, loãng xương mà làm mạnh tay, bấm mạnh quá sẽ ảnh hưởng đến độ vững của cột sống, thậm chí có những bệnh nhân đã bị gãy khung sau của đốt sống. Điều này cũng rất có thể dẫn đến liệt hoặc tử vong.

“Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ việc sau khi bấm huyệt sai cách tại các cơ sở hành nghề không uy tín, bệnh nhân rơi vào tình trạng ngừng thở, hôn mê, liệt tứ chi phải nhập viện cấp cứu, thậm chí tử vong khiến không ít người giật mình. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Văn Luyện, xã Vũ Chính, TP Thái Bình đã bị tử vong sau khi bấm huyệt tại nhà một thầy lang ở phố Bùi Sỹ Tiêm, TP Thái Bình ngày 25/7 vừa qua”,  ông Trung nói.

Lương y Trung cho biết thêm, bác sỹ y học cổ truyền phải mất 6 năm và sau 24 tháng làm việc tại các cơ sở chữa bệnh của Nhà nước mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Những người học hệ trung cấp y học cổ truyền cũng có thể xoa bóp, bấm huyệt nhưng chỉ là phụ, chứ không được làm chính.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh quan tâm đến phương pháp trị bệnh xoa bóp, bấm huyệt cần tìm đến những cơ sở uy tín được cấp phép để điều trị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Tuấn (Báo giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN