Từ tháng 6, trẻ sẽ được uống vắc xin bại liệt mới
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Việt Nam sẽ thay thế vắc xin bại liệt uống 3 tuýp bằng vắc xin bại liệt uống 2 tuýp từ tháng 6/ 2016.
Trẻ nhỏ vắc-xin bại liệt là biện pháp duy nhất để ngăn chặn virus xâm nhập. (Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ)
Ngày 17/5, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, hiện nay vi rút bại liệt hoang dại vẫn tiếp tục lưu hành ở một số quốc gia Nam Á như Afghanistan, Pakistan,... và nhiều nước đã thanh toán bại liệt báo cáo có các trường hợp vi rút bại liệt hoang dại xâm nhập. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch tại một số nước đã từng thanh toán bại liệt cho thấy nguy cơ vi rút bại liệt hoang dại xâm nhập vào Việt Nam rất lớn.
Việt Nam đang sử dụng vắc xin bại liệt 3 tuýp (tuýp 1, 2 và 3 - tOPV), đường uống. Nhờ đưa vắc xin này vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, với tỷ lệ đạt trên 95%, nước ta đã chấm dứt bệnh bại liệt vào năm 2000. Gần 15 năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục bảo vệ được thành quả này. Thực tế cho thấy, vắc-xin tOPV rất an toàn.
Tuy nhiên, trên thế giới có một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp uống vắc-xin vẫn bị bại liệt do virus vắc-xin tái độc lực, chủ yếu là thành phần virus tuýp 2 trong vắc xin tOPV. Nguy cơ này rất thấp, dưới một trường hợp trong số 10 triệu liều được sử dụng, nhưng để đảm bảo không còn bất cứ trường hợp bại liệt nào tiến tới thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) yêu cầu tất cả các nước đưa thành phần vi rút bại liệt tuýp 2 ra khỏi vắc xin tOPV. Nếu tiếp tục sử dụng vắc xin bại liệt uống có chứa týp 2, sẽ có thể có nguy cơ bị bệnh bại liệt do vi rút týp 2 biến đổi di truyền.
“Thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam sẽ triển khai kế hoạch thay thế vắc xin bại liệt uống 3 týp bằng vắc xin bại liệt uống 2 týp từ tháng 6 năm 2016, hướng tới mục tiêu không còn bệnh bại liệt”, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông tin.
GS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh bại liệt do một loại vi rút hoang dại gây nên. Thời gian ủ bệnh từ 1 đến 2 tuần. Bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt. Giai đoạn đầu, bệnh nhân bị sốt nhẹ, đau nhức cơ bắp, tiêu chảy, nôn, liệt tay, chân và cả cơ thể. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ngay cả người lớn nếu chưa có miễn dich cũng có nguy cơ nhiễm vi rút bại liệt.
GS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo nhiễm vi rút bại liệt không có thuốc điều trị và để lại hậu quả nặng nề như: Liệt hô hấp, tê liệt các cơ. Do đó, để phòng chống bệnh bại liệt, uống vắc-xin vẫn là biện pháp hiệu quả nhất.