Từ nước ngoài về Việt Nam phẫu thuật robot trị ung thư

Sự kiện: Ung thư
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhờ kỹ thuật hiện đại, chi phí thấp hơn so với nhiều nước, không ít người từ nước ngoài đã về Việt Nam để phẫu thuật robot.

Bệnh nhân NC (sinh năm 1952) là Việt kiều Mỹ, bị ung thư tuyến tiền liệt, về Việt Nam để phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM).

Cánh tay đắc lực của bác sĩ phẫu thuật

Khai thác bệnh sử, bệnh nhân C trước đây có tình trạng tiểu gắt, tiểu nhiều lần, xét nghiệm kết quả bị ung thư tuyến tiền liệt. Phẫu thuật nội soi robot là lựa chọn tốt nhất cho ca bệnh này, giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u.

Êkíp mổ ca có 5 người: 1 bác sĩ phẫu thuật chính, 1 bác sĩ phụ mổ, 1 bác sĩ gây mê và 2 nhân viên y tế phụ trách y cụ, kỹ thuật máy.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Châu (bìa phải) cùng bác sĩ phụ mổ thiết lập 4 lỗ trocar để đưa 4 cánh tay robot vào cơ thể bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Châu (bìa phải) cùng bác sĩ phụ mổ thiết lập 4 lỗ trocar để đưa 4 cánh tay robot vào cơ thể bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, là bác sĩ phẫu thuật chính - trực tiếp ngồi ở buồng điều khiển cánh tay robot để phẫu thuật cắt khối u ung thư cho bệnh nhân C.

Thay vì cầm dao mổ, bác sĩ Châu ngồi vào ghế lái điều khiển 4 cánh tay robot thế hệ mới Da Vinci, phối hợp với êkíp qua chiếc mic để thực hiện ca phẫu thuật.

Đầu tiên, bác sĩ thiết lập 4 lỗ trocar trên cơ thể bệnh nhân để đưa 4 cánh tay robot vào. Sau đó, bác sĩ Châu ngồi ở ghế lái cách bệnh nhân 10 mét, điều khiển 3 tay của robot cầm các dụng cụ phẫu thuật, 1 tay robot giữ camera 3D để ghi hình cận cảnh vùng mổ, giúp xem rõ từng chi tiết giải phẫu.

2 chân bác sĩ Châu đặt trên những bàn đạp có các chức năng như đốt điện đơn cực, lưỡng cực, di chuyển camera, chuyển đổi các dụng cụ mổ. Các cánh tay robot linh hoạt di chuyển, thực hiện cắt lọc, bóc tách u, cắt đốt, khâu nối... theo cử động tay chân của bác sĩ Châu.

Ca phẫu thuật nội soi robot diễn ra khoảng 1 tiếng, khối u được bóc tách, robot hoàn thiện nối cổ bàng quang, niệu đạo giúp bệnh nhân đi tiểu được sau mổ.

Êkíp mổ bắt đầu ca phẫu thuật robot cắt khối u cho bệnh nhân C. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Êkíp mổ bắt đầu ca phẫu thuật robot cắt khối u cho bệnh nhân C. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Một bệnh nhân khác cũng được phẫu thuật robot tại Bệnh viện Bình Dân là LMT (68 tuổi, ngụ Gia Lai) do có khối u ở thùy trên phổi trái.

Đến Bệnh viện Bình Dân điều trị, bệnh nhân được bác sĩ khuyên nhập viện sau khi các chẩn đoán cận lâm sàng gợi ý chẩn đoán ung thư phổi. Hình ảnh chụp ngực phát hiện u thùy trên phổi trái, kích thước 40 mm x 20 mm.

Trước 3 phương pháp bao gồm mổ mở, nội soi kinh điển và phẫu thuật robot, bệnh nhân quyết định thực hiện phẫu thuật robot để loại bỏ khối u phổi, nạo hạch tỉ mỉ, đồng thời giữ lại được tối đa chức năng còn lại của phổi nhằm đảm bảo hô hấp.

Phương pháp phẫu thuật này ít xâm lấn nên bệnh nhân ít đau, ít mất máu và mau hồi phục.

Tuyệt đối chính xác, tiết kiệm thời gian

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Việt Thành, Trưởng khoa Lồng ngực - Bướu cổ, cho biết hơn 20 năm phẫu thuật những u trong lồng ngực, chỉ đến khi mổ bằng robot ông mới cảm nhận quan sát rõ đến từng vị trí u, các mạch máu tăng sinh ở mức độ cao nhất.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Châu trực tiếp ngồi ở buồng điều khiển cánh tay robot. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Châu trực tiếp ngồi ở buồng điều khiển cánh tay robot. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Từ đó, thông qua từng cử động ngón tay phẫu thuật viên, cánh tay robot từ phía xa uyển chuyển vận động, tỉ mỉ bóc tách khối u thật khéo. Nhờ quan sát tốt hơn và ưu điểm vượt trội khi thao tác với 3 cánh tay thao tác không giới hạn, robot đã mang lại cho bác sĩ tâm lý tự tin trước những ca phẫu thuật khó và kéo dài.

Bác sĩ Châu thông tin thêm, trung bình mỗi ngày bệnh viện phẫu thuật robot cho khoảng 2-3 ca bệnh. So với những năm trước, gần đây bệnh nhân chọn phương pháp phẫu thuật robot có xu hướng tăng. Đặc biệt, ngày càng có nhiều bệnh nhân từ từ Thụy Sĩ, Pháp, Campuchia… đến Việt Nam để phẫu thuật robot.

Công suất tối đa của robot chỉ phẫu thuật vài ca mỗi ngày, nên bệnh nhân phải chờ trung bình từ 2-3 tuần. Chỉ định phẫu thuật robot phù hợp với những trường hợp vị trí u ở vùng xương chậu, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư đại trực tràng... Hiện phương pháp này đã dần mở rộng đến các trường hợp ung thư nhiều bộ phận khác.

"Ưu điểm của phẫu thuật robot là có thể tiếp cận những vị trí ngóc ngách mà phương pháp nội soi thông thường không thể làm được. Hình ảnh 3D trong phẫu thuật robot rất sắc nét, giúp bác sĩ phẫu thuật thực hiện chính xác hơn, đồng thời tiết kiệm 35-40% thời gian so với phẫu thuật cổ điển.

Phẫu thuật robot giúp tiếp cận những vị trí khó, bóc tách tỉ mỉ khối u. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Phẫu thuật robot giúp tiếp cận những vị trí khó, bóc tách tỉ mỉ khối u. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ngoài ra khi phẫu thuật bằng robot, bác sĩ không bị phân tâm hay run tay, giúp tăng độ chính xác. Cánh tay của robot rất nhỏ, có thể xoay 360 độ, tiếp cận những vị trí khó giúp bóc tách tỉ mỉ khối u.

Ở Việt Nam, mặc dù chi phí phẫu thuật robot cao hơn so với phẫu thuật nội soi, song thực tế vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới. Giá một ca phẫu thuật dao động từ 130-150 triệu đồng, trong khi ở Singapore rơi vào khoảng 1 tỉ đồng.

Kỹ thuật phẫu thuật không thua so với các nước nhưng chi phí thấp hơn nhiều cũng là nguyên nhân khiến các bệnh nhân nước ngoài chọn đến Việt Nam để phẫu thuật robot.

Bác sĩ phụ mổ phối hợp phẫu thuật robot cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bác sĩ phụ mổ phối hợp phẫu thuật robot cho bệnh nhân. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh viện Bình Dân đã được cấp phép đào tạo bác sĩ phẫu thuật robot. Các nước trong khu vực cũng mời bác sĩ của bệnh viện đến để chuyển giao phương pháp phẫu thuật này. Kỹ thuật không thua so với các nước nhưng chi phí thấp hơn nhiều chính là lý do ngày càng có nhiều bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam để phẫu thuật robot.

“Hiện Bệnh Viện Bình Dân cũng đào tạo và cấp chứng chỉ cho bác sĩ phẫu thuật phương pháp này ở trong nước. Các bác sĩ Việt Nam không còn phải đi học ở nước ngoài mới được cấp chứng chỉ phẫu thuật robot như trước đây, điều này rất thuận lợi” - bác sĩ Châu chia sẻ.

Phát triển hệ thống robot ngày một hiện đại

Hệ thống robot dùng trong phẫu thuật được Bộ Y tế cấp phép đầu tiên để điều trị cho người lớn tại Việt Nam.

Bệnh viện Bình Dân là bệnh viện ngoại khoa hạng 1, tuyến cuối chuyên phẫu thuật tổng quát, tiết niệu và lồng ngực mạch máu cho bệnh nhân các tỉnh phía Nam. Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, lãnh đạo bệnh viện quyết định đầu tư 71 tỉ đồng từ nguồn vốn vay kích cầu của TP HCM để mua robot.

Bệnh viện Bình Dân là nơi đầu tiên tại Việt Nam thực hiện phẫu thuật robot cắt khối u phổi từ năm 2017. 8 năm qua, nơi đây đã thực hiện 2.800 ca phẫu thuật bằng robot.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân

Nguồn: [Link nguồn]

Các bác sĩ Bệnh viện K và đoàn chuyên gia đã cùng thực hiện phẫu thuật thành công 4 ca bệnh ung thư đường tiêu hoá bằng kỹ thuật hiện đại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Ung thư Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN