Từ 10/3, khai báo y tế tự nguyện được thực hiện như thế nào?
Bộ Y tế cho biết, từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ tự nguyện trên toàn quốc.
Hiện tại, Bộ Y tế đang áp dụng khai báo y tế điện tử với khách nhập cảnh vào Việt Nam
Theo đó, người dân sẽ thực hiện khai báo y tế trên hệ thống phần mềm riêng (app) phục vụ chống dịch Covid-19.
Bộ Y tế sẽ có phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân.
Các thông tin sẽ rất cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mãn tính/có hay không biểu hiện ho, sốt, khó thở…). Tình trạng tiếp xúc với người có nghi mắc/mắc Covid-19; việc đi/về nhập cảnh từ vùng có dịch...
Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ (liên quan ca bệnh Covid-19, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch...).
Thông tin khai báo y tế sẽ lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến, là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế cho rằng, những đối tượng khai báo không trung thực, bằng nghiệp vụ, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các yếu tố nguy cơ.
“Mỗi cá nhân khai báo y tế cho bản thân hoặc khai báo hộ cho thành viên trong gia đình (với trẻ nhỏ, người không đủ điều kiện sức khỏe trực tiếp khai báo) sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu báo không trung thực ảnh hưởng đến phòng chống dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”’, ông Phu nói.
Từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ tự nguyện trên toàn quốc, PGS Nguyễn Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân tự giác, vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Việc làm này nhằm giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời trong trường hợp có ca bệnh, đồng thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đã thực hiện khai báo y tế bắt buộc với mọi người nhập cảnh vào Việt Nam, tuy nhiên như vậy cũng chưa đủ mà cần triển khai khai báo y tế với mọi người Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm chống dịch theo quy định mà còn là hành động cụ thể để mọi người Việt Nam chung sức, đồng lòng, toàn dân chống dịch. Các thông tin khai báo phải được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ chống dịch, không sử dụng vào mục đích khác.
“Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các nhà mạng, các đơn vị công nghệ thông tin khẩn trương hoàn thiện phương án tổ chức, các công cụ công nghệ để chậm nhất là từ sáng 10/3 thực hiện khai báo sức khoẻ toàn dân trên toàn quốc”, PTT Vũ Đức Đam đề nghị.
Khi có dấu hiệu nghi nhiễm mà có yếu tố dịch tễ (từng đi đến vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với người nghi nhiễm Covid-19), cần: - Cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc với nhiều người - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi - Tuân thủ rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác - Theo dõi các dấu hiệu dưới đây: Sốt (đo nhiệt độ 2 lần một ngày), ho, khó thở. Các triệu chứng ban đầu khác cần theo dõi là ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau họng, nhức đầu, tiêu chảy, buồn nôn/nôn và sổ mũi. - Nếu bị sốt hoặc có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức để được khám, chẩn đoán chính xác, cách ly và điều trị kịp thời. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Khi tiếp xúc với người nghi nhiễm Covid-19, cần lập tức tự cách ly bản thân trong vòng 14 ngày để theo dõi các triệu chứng bất thường của cơ thể và đến ngay cơ sở y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin. Bộ Y tế đã công bố 2 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh Covid-19: 19003228 và 19009095. (Nguồn: Bộ Y tế) |
Được sự đồng ý của TS-BS Lê Quốc Hùng- Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy- người góp công lớn trong...
Nguồn: [Link nguồn]