Từ 15/9, trẻ được tiêm miễn phí vắc xin sởi

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hôm nay (15/9), trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm miễn phí vắc xin sởi.

Theo ông Phu, chiến dịch tiêm vắc xin sởi sẽ áp dụng tại Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk và Bà Rịa-Vũng Tàu để rút kinh nghiệm về vấn đề tổ chức, sau đó sẽ nhân rộng ra cả nước. Dự kiến chiến dịch này sẽ được thực hiện từ 15/9 đến năm 2015.

Ông Phu cho biết, bệnh sởi bùng phát rất nhanh. Những người chưa tiêm vắc xin hoặc chưa mắc đều có khả năng mắc bệnh. Hiện bệnh sởi và Rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi - Rubella là cách duy nhất phòng bệnh. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin có thể đạt tới 95%.

Từ 15/9, trẻ được tiêm miễn phí vắc xin sởi - 1

Tiêm vắc xin sởi - Rubella là cách duy nhất phòng bệnh

Hiện nay, vắc xin sởi đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Để đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) là tới năm 2017 loại trừ được bệnh sởi, ngoài Chương trình TCMR thường xuyên, rất cần tổ chức những chiến dịch tiêm chủng quy mô như thế này để tạo miễn dịch lớn trong cộng đồng, từ đó sẽ đạt tỷ lệ cao trẻ em giảm mắc sởi.

Đối với rubela, mặc dù ở trẻ em bệnh thường nhẹ, ít biến chứng, nhưng bệnh lại rất nguy hiểm đối với người mang thai. Nếu phụ nữ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu, đẻ non; trẻ sinh ra có thể mắc hội chứng rubella bẩm sinh (bao gồm các dị tật tim, đục thuỷ tinh thể, điếc bẩm sinh, chậm phát triển... thậm chí đa dị tật.

Bệnh sởi và rubella hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tiêm vắc xin sởi, rubella là cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh 2 bệnh này.

Theo ông Phu, chiến dịch tiêm vắc xin sởi làm giảm tỷ lệ mắc bệnh sởi, rubella và hội chứng rubella bẩm sinh trong cộng đồng và hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi trong tương lai.

Hiện nay, 5 triệu liều vắc xin cho chiến dịch đã về Việt Nam và được kiểm định xong. Vắc xin sử dụng trong chiến dịch này của Ấn Độ. Chất lượng của vắc xin được khẳng định trên thế giới. Hiện có 39 quốc gia trên thế giới sử dụng vắc xin này.

Chiến dịch lần này do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ với hơn 34 triệu USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN