Truy tìm thủ phạm khiến ung thư gan tấn công cả gia đình
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho biết, trường hợp bệnh nhân các anh em ruột đều bị ung thư gan không phải là hiếm.
Bệnh ung thư gan nguy hiểm cho cả gia đình
Anh em ruột và mẹ đều bị ung thư gan
Mới đây, bệnh nhân Nguyễn Văn T. 43 tuổi, giáo viên tại tỉnh Đồng Nai, đến viện khám vì bị sốt cao. Các bác sĩ phát hiện có khối u ở gan kích thước 4,5 cm. Điều đáng nói là em trai và mẹ của anh T. đã mất vì ung thư gan. Hiện tại, anh T cũng ung thư gan, người anh trai của anh lại đang phải điều trị bệnh viêm gan.
Anh T. cho rằng mình bị lây viêm gan siêu vi B từ mẹ. Anh phát hiện mình bị viêm gan B cách đây 10 năm. Tiền sử viêm gan B và tiền sử gia đình có người bị bệnh ung thư gan do từng nhiễm viêm gan B được bác sĩ khẳng định là nguyên nhân gây ra ung thư gan của anh T.
Bác sĩ Long cho biết trường hợp của anh T. không phải là hiếm gặp mà các bác sĩ đã gặp nhiều. Ngay cả đồng nghiệp của bác sĩ Long làm bác sĩ công tác ở bệnh viện khác, mấy anh em cũng đều bị ung thư gan cả. Thậm chí, có gia đình 5 người đều mất vì ung thư gan. Các bệnh nhân đều mất ở tuổi rất trẻ, từ 30- 40 tuổi.
Với bệnh nhân T. bác sĩ Long cho biết khối u gan của bệnh nhân lớn, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt một phần gan với tiên lượng khả quan.
Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện cả gia đình đều bị ung thư gan do tiền sử người mẹ bị viêm gan siêu vi B, việc trích ngừa viêm gan B hạn chế, dẫn đến lây truyền cho nhau. Bệnh trở thành mãn tính và đây là nguyên nhân đầu tiên gây ra ung thư gan.
TS Hoàng Đình Chân – Bệnh viện ung bướu Hưng Việt cho biết bệnh ung thư gan chủ yếu liên quan đến nhiễm virus viêm gan B (HBV) với khoảng 60%-70% số ca, virus viêm gan C (HCV) khoảng 20% và số còn lại do các yếu tố khác.
Việt Nam đang nằm trong vùng dịch tễ của nhiễm virus viêm gan B với tỉ lệ nhiễm cao nên tỉ lệ mắc ung thư gan cũng cao. Bệnh lại dễ lây lan như lây qua đường tình dục, lây qua truyền máu chính, lây từ mẹ sang con. Nếu bệnh không được điều trị có thể tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Kẻ giết người thầm lặng
Theo thống kê, ung thư gan hiện nay đang gia tăng nhiều hơn cả ung thư phụ khoa, vú ở phụ nữ. Bệnh ung thư gan tiên lượng còn rất thấp, bệnh nhân phát hiện thường ở giai đoạn muộn.
Bác sĩ Long cho biết, hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan tuỳ vào tình hình từng bệnh nhân. Điều trị ung thư gan hiệu quả nhất đó là phẫu thuật ghép gan. Tuy nhiên, để ghép gan, bệnh nhân cần có nguồn gan hiến tặng từ người thân hoặc người cho chết não, song chỉ phù hợp với trường hợp khối u, xơ gan nặng nhưng không quá trễ.
Còn phương pháp phẫu thuật cắt khối u dành cho những trường hợp gan không quá xơ, bệnh nhân đủ sức khỏe để trải qua cuộc phẫu thuật.
Ngoài ra, phương pháp đốt, bác sĩ chỉ cần luồn một cây kim xuyên qua da vào gan rồi xuyên tâm bướu, điều khiển thiết bị phát nhiệt đốt cháy khối u. Phương pháp này chỉ phù hợp với khối u nhỏ dưới 3 cm, nếu chỉ định đúng, bệnh nhân chỉ cần đốt một lần là khỏi.
Mới đây còn có phương pháp nút hóa chất động mạch TACE (transarterial chemoembolization). Đây là một trong các biện pháp điều trị ung thư gan qua đường động mạch TAE (transarterial embolization) với nguyên lý cơ bản là chấm dứt nguồn cấp máu từ động mạch tới khối u đồng thời đưa hóa chất diệt ung thư vào khối u. Tuy nhiên cách này chỉ giúp bệnh nhân kéo dài sự sống chứ không thể trị khỏi hoàn toàn, đây là phương pháp kéo dài thời gian cho người bệnh.