Trời trở lạnh, chuyên gia cảnh báo bệnh đột quỵ gia tăng
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng khoảng 15-30%.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 14/12, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, sau đó sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Từ ngày 15/12 các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ sẽ xảy ra đợt rét đậm rét hại đầu tiên của mùa đông năm nay với nhiệt độ thấp nhất 11-14 độ C, vùng núi 8-11 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ và có khả năng xảy ra băng giá.
Khu vực Hà Nội từ ngày 14/12 có mưa; trời chuyển rét. Từ ngày 15/12 trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-13 độ C.
Một trường hợp bị đột quỵ nhập viện.
Các chuyên gia cảnh báo, thời tiết thay đổi, lạnh về đêm khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh lý như tim mạch, đột quỵ, hen suyễn nếu không chăm sóc sức khỏe khoa học, hợp lý.
Với người cao tuổi, sức đề kháng và hệ miễn dịch suy giảm nên khi thời tiết thay đổi rất dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus gây viêm phổi cấp.
Bên cạnh đó, do thời tiết nóng, lạnh đột ngột, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, khiến cơ thể không kịp thích ứng sẽ xuất hiện hoặc tái phát các bệnh về đường hô hấp (viêm họng, mũi, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản, khí phế thũng), đặc biệt là bệnh hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Theo TS. Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, thời tiết lạnh là yếu tố thuận lợi làm gia tăng đợt kịch phát của bệnh nhân hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Tại Trung tâm Hô hấp, trời lạnh, có những ngày tiếp nhận tới 15-20 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính nhập viện và đa phần là những cơn kịch phát diễn biến nặng, phải thở máy.
Nhiệt độ giảm mạnh còn là nguyên nhân khiến bệnh đột quỵ gia tăng. Qua thống kê Bệnh viện Bạch Mai, chỉ trong 20 ngày từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 12/2020 Trung tâm tiếp nhận 750 ca đột quỵ, trong đó nhiều ca nặng, tiên lượng xấu.
Còn tại Bệnh viện Thanh Nhàn, trung bình số bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ vào mùa lạnh tăng khoảng 15-30%.
Bác sỹ Đoàn Thị Anh Đào, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay, ngoài nguy cơ đột quỵ, một số bệnh về tim mạch ở người cao tuổi cũng sẽ gia tăng mỗi khi mùa đông đến, trong đó cần đặc biệt lưu ý bệnh tăng huyết áp kịch phát mỗi khi lạnh đột ngột do mặc không đủ ấm, phòng ngủ không kín gió, chăn, đệm không đủ chống rét, tắm nước lạnh.
Khi nhiệt độ xuống thấp cũng làm cho các bệnh về xương khớp ở người cao tuổi gia tăng hoặc tái phát như thoái hóa, đau và xơ cứng khớp gối, khớp bàn tay, cổ tay, khớp cột sống thắt lưng. Thoái hóa khớp và cứng khớp vào mùa đông giá rét làm cho người bệnh khó vận động, đau nhức, giấc ngủ không yên, vì vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.
Một số bệnh về đường tiêu hóa như dạ dày, viêm đại tràng mãn tính, viêm đại tràng co thắt (hội chứng ruột kích thích) cũng là những bệnh khi giá lạnh thì xuất hiện hoặc tái phát làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người già.
Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh khi thời tiết chuyển lạnh, mọi người cần mặc đủ ấm ngay cả khi ở nhà. Phòng ở phải đảm bảo thông thoáng nhưng ấm và tránh bị gió lùa. Cửa ra vào, cửa sổ nên có rèm hoặc kính che bớt gió nếu phải mở ra đóng vào nhiều. Mùa lạnh nếu có thể, nên lắp lò sưởi hoặc sử dụng bóng điện đỏ cho ấm. Chú ý không đưa bếp than tổ ong hoặc than củi vào sưởi rồi đóng kín cửa sẽ gây ngộ độc khí CO, một loại khí độc gây tử vong cao.
Với người cao tuổi cần tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột. Nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh.
Người già ban đêm hay thức dậy do khó ngủ hoặc do chứng tiểu đêm. Nếu không có nhà vệ sinh trong nhà, nên dậy trước, mặc đủ ấm, mở cửa từ từ cho quen với nhiệt độ thấp bên ngoài sau đó mới ra.
Nguồn: [Link nguồn]
Tuổi tác cũng như tiền sử gia đình, người thân bị đột quỵ khiến chúng ta dễ bị đột quỵ hơn. Hãy bắt đầu từ hôm...