Trị bệnh tay-chân-miệng bằng... rau sam, lá bàng

Quá tin vào các bài thuốc dân gian khiến bệnh tay-chân-miệng nặng thêm.

Hiện nhiều bài thuốc dân gian chữa bệnh tay-chân-miệng (TCM) được truyền miệng hoặc đăng tải trên các trang mạng khiến không ít phụ huynh băn khoăn tính hiệu quả.

Vừa uống vừa tắm sẽ mau hết bệnh?

Những bài thuốc dân gian chữa TCM đầu tiên phải kể tới là rau sam. Bài viết hướng dẫn rau sam sau khi rửa sạch ngâm với nước muối và nấu trong vòng một tiếng rồi chắt lấy nước. Một phần cho trẻ uống, phần còn lại dùng lau trên người trẻ. Bài viết còn quả quyết sử dụng rau sam trong ba ngày sẽ khỏi bệnh.

Bài thuốc dân gian chữa TCM kế tiếp là rau diếp cá. Loại rau này sau khi giã nát ngâm trong nước ấm rồi tắm cho trẻ. Cũng có thể xay nát rau diếp cá rồi chắt lấy nước cho trẻ uống. Dùng liên tục 5-7 ngày bệnh sẽ hết.

Bạc hà cũng là bài thuốc dân gian chữa TCM được truyền miệng và đăng tải trên các trang mạng. Bạc hà được đun sôi, sau đó lấy nước uống. Mỗi ngày uống hai tách thì bệnh sẽ mau hết.

Trong khi những loại rau nói trên ăn được thì một loại lá chẳng thể cho vào miệng nhai nuốt cũng được hướng dẫn dùng chữa bệnh TCM. Đó là lá bàng. Bài viết hướng dẫn lá bàng xay nhỏ, cho vào nước và muối rồi đun sôi để nguội. Sau đó lọc lấy nước cho vào tủ lạnh uống dần.

Trong lần theo chân Sở Y tế TP.HCM và Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh TCM tại các bệnh viện nhi, chúng tôi ghi nhận không ít trường hợp trẻ mắc bệnh nặng do sử dụng bài thuốc dân gian truyền miệng hoặc đăng tải trên mạng.

“Bệnh con tôi bác sĩ nói nếu đưa tới bệnh viện sớm thì điều trị khỏi từ lâu. Đằng này đưa tới trễ nên bệnh trở nặng. Chỉ tại tôi vì tin lời người quen, cho con uống lá bàng suốt một tuần nên bệnh thêm nặng” - mẹ của một bệnh nhi ở tỉnh Bình Dương buồn rầu nói.

“Tôi cũng vậy. Đọc báo thấy rau sam trị hết bệnh TCM nên tôi ép con uống liên tục. Cháu ói ra là tôi đút nước rau sam vô miệng tiếp. Tới ngày thứ năm, thấy bóng nước nổi nhiều hơn nên tôi lật đật đưa tới bệnh viện. Sau khi biết sự việc, bác sĩ nói đưa tới sớm thì cháu về nhà từ lâu” - cha của một bệnh nhi ở tỉnh Đồng Nai cho biết.

Trị bệnh tay-chân-miệng bằng... rau sam, lá bàng - 1

Trẻ mắc TCM đang điều trị ở bệnh viện chuyên khoa nhi TP.HCM. Ảnh: TRẦN NGỌC. Ảnh nhỏ: “Bài thuốc” rau sam trị TCM được các bà mẹ chia sẻ trên mạng.

Không có chứng cứ khoa học

TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết TCM hiện chưa có thuốc chủng ngừa và đa phần rơi vào trẻ dưới 10 tuổi. “Tuy nhiên, phần lớn bệnh sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Những trường hợp nặng thì sẽ lâu hơn” - bà Lan nói.

Theo bà Lan, trẻ bị TCM sốt cao, mệt mỏi. Hơn nữa, miệng của trẻ bị TCM lở loét, đau rát nên ăn uống kém, mau mất sức. Dân gian cho rằng rau sam, rau diếp cá, cây bạc hà có tính thanh nhiệt, giải độc nên khi dùng sẽ tăng sức đề kháng, mau hết bệnh. “Tuy nhiên, những loại rau trên chỉ có thể giải quyết các triệu chứng của TCM như mụn nước, thải độc… chứ không thể trị dứt TCM” - bà Lan nói thêm.

Riêng lá bàng, y học cổ truyền không xem đây là loại thuốc. Do vậy, một khi uống lá bàng để trị TCM sẽ không an toàn.

Đồng quan điểm trên, BS Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết thêm mặc dù dân gian cho rằng các loại rau và lá nói trên có thể chữa khỏi TCM nhưng khoa học chưa chứng minh điều đó. “BV Y học cổ truyền TP.HCM cũng không áp dụng các bài thuốc dân gian nói trên để điều trị TCM” - BS Khoa khẳng định.

Theo BS Khoa, một khi trẻ có dấu hiệu mắc TCM thì nên đưa tới bác sĩ chuyên khoa để được điều trị theo phác đồ. Quá tin tưởng vào các bài thuốc dân gian sẽ khiến bệnh tình của trẻ thêm nặng.

Từ đầu năm 2018 đến tháng 10-2018, trên địa bàn TP ghi nhận tổng cộng 5.001 ca nhập viện do TCM, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017 (4.527 ca).

TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chưa có vaccine dự phòng. Để phòng bệnh TCM nên cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng. Bên cạnh đó, vệ sinh hằng ngày và khử khuẩn hằng tuần vật dụng, đồ chơi của trẻ.

Khoảng 80% số ca bệnh TCM ở thể nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà. Tuy nhiên, khi trẻ có các dấu hiệu trở nặng như giật mình, đi đứng loạng choạng, yếu liệt… phải đưa đến bệnh viện ngay.

(Nguồn: Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM) 

Làm thế nào để xác định chính xác con bị mắc tay chân miệng?

Hiện nay bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng và gây không ít lo lắng cho các bậc phụ huynh. Vì bệnh tay chân miệng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TRẦN NGỌC  ([Tên nguồn])
Dịch tay chân miệng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN