Trẻ từng là F0, bỗng dưng sốt - Dấu hiệu mắc bệnh nguy hiểm hậu COVID-19
Một tháng sau khi mắc COVID-19, bé trai 11 tuổi bỗng dưng sốt lại, kèm theo sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, nổi ban ở da… trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C; Trường hợp khác là bé gái 7 tuổi cũng bị sốt sau 2 tuần khỏi COVID-19, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C...
Một tháng sau mắc COVID-19, trẻ bỗng sốt cao, trẻ bị mắc hội chứng MIS-C
Bé trai 11 tuổi điều trị tại khoa Dị ứng-Miễn dịch-Khớp, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội). Chị Thảo, mẹ bệnh nhi cho biết con trai chị hơi béo, 11 tuổi nặng 43kg. Lúc mắc COVID-19, cháu không có triệu chứng gì, không sốt, vì mẹ test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính nên đã test kiểm tra cho con thì phát hiện cháu cũng dương tính. Hơn 1 tuần sau, cháu âm tính.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi sau điều trị hội chứng MIS-C tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Tuy nhiên theo chị Thảo, khoảng một tháng sau khi mắc COVID-19, bé bỗng dưng sốt cao 40 độ C, run lẩy bẩy, sưng hạch, đỏ mắt, đau bụng, nổi ban trên da nên gia đình đưa đến khám tại bệnh viện gần nhà và được chẩn đoán bị viêm hạch. Tuy nhiên, sau 4 ngày, tình trạng sốt của con không thuyên giảm, gia đình chị đã xin chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị.
Tại đây, qua thăm khám và khai thác bệnh sử, trẻ được chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C (hay hội chứng viêm đa hệ thống) liên quan tới nhiễm SARS-CoV-2.
Trường hợp trẻ mắc hội chứng MIS-C như bé trai kể trên thời gian gần đây khá thường gặp tại Bệnh viện Nhi Trung ương. TS.BS Lê Quỳnh Chi, Trưởng khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp cho biết một tháng gần đây, tại Bệnh viện có nhiều trẻ mắc hội chứng MIS-C nhập viện. Đặc biệt, trong thời gian gần đây số lượng trẻ nhập viện nhiều hơn, trước đây lẻ tẻ 2-3 ca/tuần, tối đa 5 ca/ngày, tuy nhiên hiện giờ tăng hơn.
Những trường hợp nặng đe dọa tính mạng như biểu hiện sốc, suy giảm chức năng cơ tim nặng sẽ được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực. Những trẻ không có biểu hiện nặng như trên sẽ điều trị tại khoa Miễn dịch-Dị ứng-Khớp. Đa phần trẻ đáp ứng tốt với điều trị.
Hơn 1 tuần trước, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM) đã tiếp nhận nữ bệnh nhi N.T.K.B (7 tuổi trú tại Tây Ninh) nhập viện trong tình trạng tổn thương tim trầm trọng và cần phải can thiệp ECMO ngay lập tức.
Bệnh nhi chẩn đoán hội chứng -C có biểu hiện tổn thương tim nặng, được điều trị tại khoa hồi sức tích cực thở máy ECMO... Sau 3 ngày can thiệp sức khoẻ của bé đã cải thiện Ảnh BVCC
BSCK II Nguyễn Minh Tiến – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho hay: "Đây là một trong các biểu hiện của hội chứng viêm đa hệ thống có biểu hiện tổn thương tim nặng".
Khi nào nên nghi ngờ trẻ mắc hội chứng MIS-C?
Từ thực tế thăm khám và tiếp nhận điều trị bệnh nhân thời gian qua, TS.BS Lê Quỳnh Chi cho hay trẻ mắc hội chứng MIS-C chủ yếu là trẻ lớn từ 6 -12 tuổi, trẻ dưới 3 tuổi ít gặp hơn với dấu hiệu chắc chắn là trẻ có sốt.
Ngoài ra, còn kèm theo một số biểu hiện toàn thân, đa cơ quan như phát ban da, nổi hạch, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa đau bụng nôn, đi ngoài phân lỏng. Một số trẻ ho, môi đỏ, lưỡi gai, phù nề mu bàn tay, chân. Nặng hơn trẻ có thể rất mệt, có biểu hiện suy tuần hoàn, đau đầu, co giật, suy tim, rối loạn nhịp tim…
Tuy nhiên, các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương cũng nhấn mạnh không phải trẻ nào mắc COVID-19 cũng bị hội chứng này, mà xuất hiện trên những trẻ có đáp ứng miễn dịch quá mức, cơ chế điều hòa miễn dịch bị rối loạn không kiểm soát được cơn bão cytokine.
Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra các dấu hiệu để biết rằng liệu một trẻ đang mắc COVID-19 có bị MIS-C sau đó hay không. Tuy nhiên, đã có nghiên cứu cho thấy trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19, nguy cơ mắc MIS-C cao hơn so với trẻ đã được tiêm vaccine.
Tỷ lệ mắc MIS-C khá thấp. Ở Mỹ, cứ khoảng 3000-4000 trẻ nhiễm SARS-CoV-2 thì có 1 trẻ bị MIS-C sau đó. Số liệu chính xác về tỷ lệ mắc MIS-C ở trẻ em Việt nam cũng như ở các nước châu Á chưa rõ, tuy nhiên có thể thấp hơn ở các nước Âu- Mỹ.
Các chuyên gia của Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh nghĩ tới con mình bị MIS-C và liên hệ với cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có các biểu hiện sau: - Trẻ sốt cao liên tục > 38,5 độ C, kèm theo có các dấu hiệu như rối loạn tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau bụng), phát ban trên da, mắt đỏ, môi đỏ, khô nứt, họng đỏ. - Trẻ có các dấu hiệu bệnh nặng như: thay đổi ý thức (vật vã, kích thích, ngủ gà, li bì), mạch nhanh, tay chân lạnh, khó thở, mệt mỏi. |
Mặc dù MIS-C xảy ra sau mắc COVID-19, nhưng đa phần COVID-19 ở trẻ em thường không có triệu chứng hoặc nhẹ. Nên trong tình hình dịch bệnh xảy ra như hiện nay, cần nghĩ tới MIS-C khi trẻ có các triệu chứng nghi ngờ, kể cả khi không biết rõ trẻ đã bị mắc COVID-19 trước đó hay không.
Cách tốt nhất để phòng MIS-C là tránh không để trẻ bị mắc COVID-19. Cha mẹ cần tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch như 5K và cho trẻ tiêm vaccine phòng COVID-19 khi có chỉ định, tiêm đủ liều cũng như tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng các bệnh truyền nhiễm khác theo lịch. Tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 giúp trẻ giảm nguy cơ mắc COVID-19 nặng/nguy kịch, đồng thời cũng giảm nguy cơ bị hội chứng MIS-C. Với trẻ đang mắc hoặc sau mắc COVID-19, nếu xuất hiện các biểu hiện sốt cao liên tục, phát ban, mắt đỏ, rối loạn tiêu hóa cần phải nghĩ tới MIS-C và cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế. |
Mất ngủ, suy nhược thần kinh, rồi loạn cảm xúc, mất cân bằng... do hậu COVID-19 không chỉ người giàu, hay người nghèo, hoặc người có bệnh nền bị, mà ai cũng có thể mắc...
Nguồn: [Link nguồn]