Trẻ suy dinh dưỡng do...ăn cơm sớm
Tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, 60% số trẻ suy dinh dưỡng đến khám có nguyên nhân từ hậu quả của việc bị cho ăn cơm quá sớm.
Nhiều bà mẹ nghe theo quan niệm dân gian khuyến khích cho trẻ ăn cơm sớm cho “mau cứng”.
Mọc 20 răng sữa mới ăn cơm
Trẻ ăn được một món mới là người mẹ khấp khởi mừng thầm bởi điều đó cũng đánh dấu một bước trưởng thành của trẻ. Tuy nhiên, tại sao bác sĩ khuyên khi trẻ tròn 6 tháng tuổi mới cho ăn dặm? Vì sao đến 2 tuổi mới cho ăn cơm? Theo các kiến thức dinh dưỡng tổng hợp, khi cho trẻ ăn, người mẹ cần quan sát và tập dần từng loại một, gần như là thử nghiệm xem trẻ có thể tiêu hóa và hấp thu được thức ăn chưa?
Khi tự nhai và tiêu hóa được cơm, trẻ sẽ cảm thấy ngon miệng khi ăn. Ảnh:XUÂN THẢO
Sách vở nói trẻ 6 tháng bắt đầu tập ăn dặm là do khi thống kê trên số lượng lớn trẻ em thì thấy đa số ở độ tuổi này bắt đầu có men để tiêu hóa thức ăn khác ngoài sữa. Nói vậy tức là có những trẻ có men tiêu hóa bột ở độ tuổi sớm hơn nhưng cũng có trẻ đã 6 tháng mà vẫn chưa đủ men tiêu hóa. Vì vậy, cần thử trước một ít thức ăn lỏng, quan sát trẻ về các dấu hiệu ói ọc, tiêu chảy, trướng bụng, đầy hơi, bỏ bú… để kiểm tra khả năng tiêu hóa.
Cho ăn cơm sớm trước khi trẻ có thể tự nhai và tiêu hóa được cơm là một trong những nguyên nhân gây ra suy dinh dưỡng ở trẻ em nước ta. Theo thống kê, 60% số trẻ suy dinh dưỡng đến khám tại Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM là do cho ăn cơm quá sớm.
Vào khoảng 24-30 tháng tuổi, bé mới mọc đủ 20 răng sữa, tức là đã có đầy đủ răng hàm mới có thể nhai nát cơm. Vì vậy, đừng nhìn “hàng tiền đạo” đầy răng mà đã vội cho bé ăn cơm. Nhóm răng cửa phía trước chỉ có chức năng cắn đứt, cắt nhỏ chứ không thể nhai dập thức ăn. Những chiếc răng hàm có mặt nhai rộng mới có khả năng nghiền nhỏ hạt cơm, giúp cho việc nuốt dễ dàng. Đây cũng được xem là giai đoạn đầu tiên của quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn.
Trẻ ăn cơm sớm không tốt cho hệ tiêu hóa. (Ảnh minh họa)
Làm mẫu
Bắt đầu tập cho trẻ ăn cơm cũng cần một số bước chuyển dần dần, từ cháo bột đặc sệt sang cơm nhão nát, cơm mềm chan canh, sau đó đến cơm khô. Khi nấu cơm vừa sôi cạn nước, múc một ít cơm cho vào chén và thêm vào một chút nước sôi, để chén cơm vào nồi và tiếp tục nấu cho đến khi cơm chín hẳn. Cơm trong chén có thêm nước sẽ tiếp tục nở mềm hơn và dễ nát hơn khi dùng muỗng đánh nhẹ.
Khi tập cho trẻ nhai cơm, đôi khi bà mẹ phải làm mẫu, hướng dẫn trẻ dồn cơm ra đằng sau họng và dùng răng hàm để nhai. Có nhiều trẻ chỉ toàn dồn thức ăn một cục phía trước miệng và dùng răng cửa để nhai thì rất chậm nát thức ăn nên khó nuốt.
Cha mẹ nên làm mẫu khi cho trẻ ăn cơm. (Ảnh minh họa)
Lúc đầu chỉ nên tập cho trẻ ăn vài muỗng cơm, sau đó ăn cháo thêm cho đủ no rồi theo dõi việc đi tiêu của trẻ. Nếu thấy trẻ vẫn ăn tốt, bú sữa nhiều, ngủ, chơi và đi tiêu bình thường thì cho ăn cơm tăng thêm. Có trẻ tập ăn cơm rất dễ nên mẹ cho ăn nhiều cơm, hậu quả là trẻ đi tiêu phân sống 2-3 lần/ngày. Điều này không tốt cho việc hấp thu dinh dưỡng, dẫn đến chậm tăng cân.
Điều quan trọng nhất khi đánh giá chế độ ăn có phù hợp hay không là việc tăng trưởng của trẻ. Khi thấy trẻ ăn nhiều mà vẫn không lên cân thì nên đưa đến khám ở bác sĩ dinh dưỡng. Theo dõi cân nặng và đo chiều cao của trẻ định kỳ 2 tuần hay mỗi tháng một lần là việc nên làm.