Trẻ phải vào cấp cứu vì đồ chơi

Sử dụng đồ chơi không hợp lứa tuổi hoặc nghịch ngợm với những vật dụng gia đình, nhiều em bé bị tai nạn, đã phải nhập viện.

Thấy đứa con trai 2 tuổi rưỡi cứ ngồi một góc, ôm cổ khạc như người bị mắc xương, anh Nguyễn Hồng V. (ngụ quận 1 - TPHCM) vội đến hỏi chuyện. Bé khóc, kêu đau cổ và kể lúc nãy chơi đồ hàng với chị mình, nuốt phải một cái lá bằng nhựa, bây giờ “nó đang mắc kẹt giữa cổ”.

Anh V. đưa con đến một bệnh viện (BV) gần nhà. Bác sĩ (BS) chẩn đoán bé có dị vật trong thực quản và gắp ra một chiếc lá khá mềm, đường kính hơn 1 cm, có cấu tạo nhiều nhánh như chiếc xương cá.

Trẻ phải vào cấp cứu vì đồ chơi - 1

Phụ huynh nên để tâm đến con trẻ khi các em chơi đồ chơi

Nguy hiểm dị vật đường thở

BS Trần Đắc Nguyên Anh, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - BV Nhi Đồng 2 (TPHCM), cho biết đơn vị này từng tiếp nhận khá nhiều trẻ em gặp tai nạn khi chơi đùa, trong đó thường gặp nhất là dị vật đường thở. Nhiều bé nhét đồ chơi vào mũi; bị sổ mũi kéo dài, chảy mũi vàng, nhiễm trùng…, trị hoài không hết.

Có trẻ khi được đưa đến BV, BS soi thấy dị vật và gắp ra thì được cha mẹ cho biết trẻ đã bắt đầu sổ mũi không rõ nguyên nhân trước đó cả tháng, nghĩa là có thể bé đã mắc dị vật từ lúc đó.

Trẻ có thể mắc dị vật đường thở ở khí quản, dị vật này nếu chặn hết đường đi của không khí, trẻ sẽ bị ngạt. Còn nếu dị vật đã đi qua ngã ba khí - phế quản nhưng chưa kịp vào phổi mà mắc lại lưng chừng 1 trong 2 phế quản, trẻ vẫn thở được dù khó khăn hơn. Dị vật tồn tại quá lâu trong cơ thể mà không được phát hiện có thể gây nhiễm trùng và các tổn thương khác.

Theo BS Trần Đình Phương, Phó trưởng Khoa Cấp cứu - BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), dị vật đường thở có thể nói là tai nạn nguy hiểm nhất mà đồ chơi có thể gây ra. Nhiều dị vật quá lớn, chèn toàn bộ đường thở có thể khiến trẻ ngộp tức thì và nguy hiểm đến tính mạng.

“Không chỉ đồ chơi, các vật dụng sinh hoạt gia đình cũng gây nguy hiểm, bởi chúng vốn không phải là đồ chơi, không được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn. Chẳng hạn, nhiều trẻ cầm cây viết bi ngậm, đầu nút bấm của viết (thường có thể tháo rời) bị sút ra và rơi vào thực quản, khí quản. Trẻ khác thì lại cắn gãy và nuốt luôn đầu nhiệt kế…”.

Đa số các bé gặp dạng tai nạn này là dưới 4 tuổi. Danh sách dị vật mà các BV lưu lại khá đa dạng: hạt cườm, mẩu nhựa, mảnh giấy, mẩu bút chì sáp, miếng xốp, mút đệm, các chi tiết nhỏ đủ hình thù của các loại đồ chơi có thể tháo lắp hoặc dễ gãy rời… Đó là chưa kể nhiều bé bị chấn thương do xe tập đi.

Những viên pin đáng sợ

Hiện nay, trên thị trường có khá nhiều loại đồ chơi sử dụng pin, nhiều loại trong số đó có hộc chứa pin rất dễ tháo rời. Sau khi thích thú với những món đồ chơi, nhiều em bé tò mò tháo hộc pin ra và… nuốt thử hoặc bỏ chúng vào tai, mũi. “Pin rất nguy hiểm nếu trở thành dị vật, bởi nếu tồn tại trong cơ thể trẻ quá lâu, nó sẽ phân hủy, trong pin lại chứa chì, acid và nhiều chất độc hại khác” - BS Phương cảnh báo.

Ông cũng cho biết loại pin dễ gây tai nạn nhất là pin dạng nút (như pin đồng hồ) hay pin tiểu. BV cũng từng tiếp nhận nhiều ca nhập viện khi trẻ nuốt, bỏ pin vào mũi đã lâu, có triệu chứng nhiễm độc chì và khi lấy được viên pin ra thì nó đã trong giai đoạn phân hủy.

BS Nguyên Anh cho biết thêm BV Nhi Đồng 2 cũng đã xử trí những ca nuốt pin tương tự. Trẻ nuốt phải pin, nếu vào đường thở thì gây ngạt, sặc như các dị vật khác; còn vào đường tiêu hóa tuy ít có biểu hiện cấp tính hơn nhưng cần được lấy ra sớm, bởi pin phân hủy sẽ làm tổn thương đường tiêu hóa.

Các BS cũng cảnh báo việc một số đồ chơi trôi nổi có chứa chì, các hóa chất độc hại từ chất liệu nhựa, nước sơn. Chúng sẽ đặc biệt nguy hiểm với những em bé có thói quen ngậm đồ chơi. Để phòng tránh hiểm họa từ đồ chơi, tốt nhất phụ huynh nên chọn cho trẻ đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, có ghi chú lứa tuổi phù hợp, không cho trẻ chơi với những dụng cụ sinh hoạt gia đình có nhiều chi tiết nhỏ; riêng đồ chơi dùng pin thì nên chọn loại có hộc pin được gắn chặt bằng vít.

Lưu ý các biểu hiện

Theo các BS, trẻ mắc dị vật thường biểu hiện như ho sặc sụa, tím tái đột ngột, có thể ngạt hoặc khó thở, trong tiếng thở có tiếng rít thanh quản đặc trưng… Nếu trẻ khó thở, có thể sơ cứu bằng cách vòng tay sau lưng, ép chặt vùng thượng vị, dưới xương ức, siết mạnh để tạo nguồn hơi đột ngột tống dị vật ra. Trẻ nhỏ hơn thì có thể dùng bàn tay vỗ mạnh vào lưng hay ấn ngực. Riêng đối với nhiễm độc chì, có thể nhận biết được triệu chứng cấp tính như rối loạn tri giác, hôn mê, co giật; triệu chứng mãn tính như chán ăn, nôn ói, xanh xao, da có viền chì.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN