Trẻ nhét đồ chơi vào chỗ kín: Nguy hiểm!
Trẻ hay nhét dị vật vào mũi, tai là chuyện thường, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM còn tiếp nhận nhiều bé tới cấp cứu vì nhét cúc áo, ruột thú nhồi bông và dây điện vào chỗ kín.
“Con nhét nút áo vào “bi bi” rồi ạ!”
Thạc sĩ – bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, chuyên khoa Niệu, Phó Phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cho biết, đơn vị mình hay gặp các ca nhét dị vật vào chỗ kín ở trẻ từ 3 – 5 tuổi. Giai đoạn này trẻ hay tò mò, chưa ý thức được nguy hiểm. Chúng có thể nhét bất cứ gì tìm thấy được vào lỗ tai, lỗ mũi, thậm chí cả chỗ…kín.
Cách đây chưa lâu, bác sĩ Thạch điều trị cho một bé gái 5 tuổi, tên Nguyễn Thu N., ngụ tại quận 8. Trước đó bé N. được mẹ đưa đi khám khắp nơi và bị nghi nhiễm trùng tiểu, nhiễm trùng âm đạo do chỗ kín tiết dịch, chảy mủ, có mùi hôi kéo dài.
Các bác sĩ đã phát hiện và gắp ra từ âm đạo của bé N. từng cục bông gòn xơ cứng. Lúc này mẹ bé mới giật mình, nhận ra đó là ruột của con thú nhồi bông.
“Hóa ra em bé đã moi ruột thú nhồi bông rồi nhét vào chỗ kín nhưng cả nhà không hề hay biết.”, bác sĩ Thạch kể.
Cúc áo lấy ra từ chỗ kín của bệnh nhi.
Một trường hợp khác phải vào bệnh viện cấp cứu là bé Lê Mai A., 4 tuổi, ngụ tại quận Bình Thạnh.
Bé A. ngồi chơi các nút áo. Sau khi bé chơi xong, mẹ bé thu dọn và phát hiện bị thiếu mất mấy nút áo. Mẹ bé A. hỏi con và tá hỏa đưa bé tới ngay bệnh viện vì nhận được câu trả lời: “Con nhét chúng vào “bi bi” rồi ạ.”
Tại khoa Niệu Bệnh viện Nhi Đồng 2, bác sĩ đã gắp các nút áo ra từ âm đạo của bé A.. May mắn bé được phát hiện và đưa đi viện sớm nên sức khỏe chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Nhét dây điện tìm cảm giác lạ?
Nếu trẻ nhỏ từ 3 – 5 tuổi nghịch dại vì chưa có ý thức đã đành nhưng cách đây không lâu các bác sĩ một phen hoảng hồn khi chứng kiến trò nghịch của một cậu bé 15 tuổi để tìm…cảm giác lạ.
Bé trai tên N. T. P., ngụ tại huyện Củ Chi, đã tự nhét cọng dây điện dài cả mét vào...“của quý”.
Dây điện lấy ra từ chỗ kín của bệnh nhi.
Bác sĩ Thạch ngạc nhiên vì cậu bé kể khi nhét hết cả sợi dây điện đường kính 3 mm vào lỗ tiểu không hề thấy đau đớn mà còn…thích thích. Trong khi tất cả các bệnh nhân được đặt ống thông tiểu (cọng dây còn nhỏ hơn) đều kêu đau.
Trong quá trình rút ra, cọng dây bị đứt…cậu bé không dám nói với ai. Chỉ 2 ngày sau, quá đau, chịu không nổi cậu mới cho gia đình biết.
Khi nhập viện, P. đã có các dấu hiệu của dị vật gây biến chứng như đau bụng dưới.
Kết quả siêu âm cho thấy cọng dây điện dài cả mét nằm trọn trong bàng quang của P…Rất may các bác sĩ không phải mổ hở, chỉ nội soi, lôi cọng dây trở lại qua đường thông thường.
Cọng dây còn nguyên lõi đồng, bọc nhựa, đường kính 3 mm. Thật may vì lõi đồng không lộ ra ở hai đầu dây, nếu không P. đã có khả năng bị trầy xước niệu đạo và thủng bàng quang.
Chỉ cần nhập viện muộn hơn chút nữa bệnh nhân có thể bị biến chứng gây nhiễm trùng đường tiểu, ảnh hưởng tới thận cũng như chức năng sinh lý sau này.
Sau khi trò chuyện với P., bác sĩ Thạch nhận định tâm lý của bệnh nhi hoàn toàn bình thường, không bị trầm cảm, không hề sử dụng chất kích thích hay thuộc dạng quậy phá.
Qua đó, bác sĩ Thạch cảnh báo các phụ huynh nên để tâm tới con trẻ. Trẻ khi lên 3, lên 5 thường hiếu động, cần phải để mắt trông chừng. Trẻ ở độ tuổi dậy thì cha mẹ lại càng phải quan tâm, giáo dục về mặt giới tính để các bé không có các suy nghĩ và hành động lệch lạc, gây nguy hiểm cho bản thân.
(*) Tên và địa chỉ nhân vật đã được thay đổi.