Trẻ ngộ độc chì từ nghề của người lớn

Kết quả, 100% trẻ ở xã Chỉ Đạo (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) đi khám (hơn 100 bé) đều có hàm lượng chì trong cơ thể vượt ngưỡng cho phép từ 2-7 lần, có trẻ đã ở mức báo động...

Hoạ từ nghề của người lớn

Trẻ ở xã Chỉ Đạo không phải bị nhiễm chì do uống thuốc cam mà do môi trường sống gây nên. Người dân xã Chỉ Đạo, trọng điểm là thôn Đông Mai, chuyên nghề sản xuất chì từ phế liệu ắc quy từ mấy chục năm nay. Xung quanh làng có rất nhiều bờ rào, nhà vệ sinh, chậu hoa, bồn rửa xếp bằng các vỏ bình ắc quy cũ, minh chứng cho một quá khứ "hào hùng" của nghề nấu chì trong làng.

Ông Trinh Văn Hiến - Phó Chủ tịch UBND xã kể: "Cách đây 4- 5 năm, cứ vào buổi chiều, hàng chục, hàng trăm lò nấu chì thủ công dàn hàng ngang trên đường mà đốt. Khói bụi mù mịt, ô tô, xe máy muốn nhìn đường đi phải bật đèn vàng".

Trẻ ngộ độc chì từ nghề của người lớn - 1

Việc sản xuất chì từ ắc quy phế liệu của người dân thôn Đông Mai đã gây hoạ cho con em họ.

Làm nghề độc hại như vậy mà người dân chỉ bảo hộ qua loa bàn tay để chống axít, rồi "hồn nhiên" chặt bình ắc quy, gom chì phế liệu bỏ vào "chảo" và nấu trên các lò thủ công. Họ đổ bã chì xuống ao, ruộng để lấp làm nhà. Người dân vô tư chung sống, sinh con đẻ cái... trên chì.

Nghiên cứu của Viện Y học và Vệ sinh môi trường về mức độ ô nhiễm tại xã Chỉ Đạo năm 2007-2008 cho thấy, mức ô nhiễm chì trung bình trong không khí vượt tiêu chuẩn 3,47 lần và càng gần lò đun thì hàm lượng chì trong khói bụi, nước càng cao. Có những thời điểm, hàm lượng chì vượt ngưỡng hơn 10 lần cho phép. Các loại thực phẩm như rau, cá có hàm lượng chì nhiễm vượt tiêu chuẩn 4,61 lần...

Quýt làm cam chịu

Hai tháng qua, người dân xã Chỉ Đạo, đặc biệt dân thôn Đông Mai đứng ngồi không yên khi Viện Y học và Vệ sinh môi trường công bố danh sách trẻ em được xét nghiệm máu nhanh. 109 em được xét nghiệm (từ 1-10 tuổi) thì cả 109 em đều có hàm lượng chì trong máu vượt tiêu chuẩn cho phép.

Ông Lỗ Văn Tùng - người phụ trách nghiên cứu cho biết: “Theo tiêu chuẩn của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Mỹ, hàm lượng chì trong máu bình thường của trẻ em không được vượt ngưỡng 10mcg/dl, nhưng 100% mẫu máu các em ở xã Chỉ Đạo đều có hàm lượng chì từ 18,9-74,52mcg/dl, trong đó 39 em có hàm lượng chì trên 40mcg/dl - mức báo động”.

TS Phạm Duệ - Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: Do hệ thần kinh non yếu, khả năng thải độc kém nên trẻ dễ ngộ độc chì hơn người lớn. Trẻ nhiễm chì dễ dẫn đến suy gan, thận. Nguy hiểm hơn, nhiễm độc chì ở trẻ nhỏ có thể gây nên bệnh Alzheimer (mất trí nhớ, sụt cân, khó khăn trong vận động) khi trẻ trưởng thành.

Chị Đỗ Thị Lý - Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, số trẻ được xét nghiệm mới chỉ chiếm 1/10 số trẻ dưới 10 tuổi của toàn xã.

Gia đình chị Nguyễn Thị Tách (thôn Đông Mai) có lò sản xuất chì tại nhà đã 7- 8 năm nay. Hai đứa con chị đều có hàm lượng chì xét nghiệm lần 2 rất cao: Cháu Lê Thị Hường (sinh năm 2005) là 64mcg/dl và Lê Ngọc Chuẩn (sinh năm 2009) là 74,5mcg/dl.

Chị Tách cho biết: “Con tôi vẫn khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không có biểu hiện bệnh tật”. Chỉ có điều, 3 tuổi nhưng cậu con trai chưa được 14kg, còn cô con gái thấp bé hơn các bạn cùng lứa.

Nhà chị Lê Thị Xuân có cậu con trai út sinh năm 2009 cũng có hàm lượng chì trong máu trên 60mcg/dl. Chị cho biết, vừa đưa con trai đi lọc máu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai về. Gia đình chị có một đứa con 24 tuổi bị ngờ nghệch.

"Có thể nó đã bị di chứng của ngộ độc chì mà mình không biết, giờ đã quá muộn rồi" - chị Xuân đau lòng nói. Hiện người dân xã Chỉ Đạo rất mong được hỗ trợ di dời cơ sở làm nghề ra khỏi làng và điều trị thải độc chì cho trẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN