Trẻ mang họa vì lỗi của người lớn
Nhiều tai nạn đau lòng, thậm chí dẫn đến cái chết ở trẻ bắt nguồn từ bất cẩn của người lớn đã được cảnh giác. Song gần đây, người ta vẫn đau lòng khi biết vẫn có trẻ chết vì ngạt nước, sặc sữa hay bị bỏng...
Trưa 12-5, cháu Trương Gia Hân (1 tuổi, con chị Trương Thị Thúy Loan, ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn, Bình Định) đã qua đời trong lúc cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định.
Được biết, sáng cùng ngày, cháu Hân vào nhà tắm nghịch nước và bị trượt chân cắm đầu vào nhà tắm. Do cháu bị suy hô hấp nặng vì ngạt nước nên đã tử vong.
Trường hợp khác, cháu X con chị H bị bỏng nặng do ngã vào nồi cháo. Cháu X trong lúc đùa nghịch đã bị ngã vào giữa nồi cháo đặt trên sân... Chị H không thể kể tiếp vì không muốn nhớ lại cảnh tượng đau lòng đó. Theo các BS, đây là trường hợp bị phỏng rất nặng.
BS đang điều trị bỏng nặng cho bệnh nhi. (Ảnh minh họa)
PGS.TS Đoàn Thị Ngọc Diệp, trưởng khoa hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho rằng những bất cẩn của người lớn đã dẫn đến nhiều tai nạn ở trẻ. Khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 2 từng tiếp nhận những trường hợp khi trẻ đang ngủ, cha mẹ khóa trái cửa đi ra ngoài. Lúc trở về phát hiện trẻ bị té cầu thang hoặc té từ trên lầu xuống đất.
Tại Viện Bỏng Quốc gia, TS. Nguyễn Viết Lượng cho biết trong số những trường hợp cấp cứu có đến một nửa là trẻ em (đa số từ 1-5 tuổi). Trẻ bị bỏng phần lớn do sự bất cẩn của người lớn.
Một bé trai 2,5 tháng tuổi trước khi được chuyển vào khoa Cấp cứu BV Nhi đồng 2 đã trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do bị ngạt và sặc sữa trong lúc bú. Kết quả chẩn đoán cho thấy phổi của bé bị viêm nặng do sữa tràn vào. Não của bé cũng bị tổn thương do đã ngưng tim, ngưng thở quá lâu. Theo các bác sĩ, nguy cơ bé phải sống thực vật là rất cao. Nguyên nhân sặc sữa có thể do sữa mẹ quá nhiều, khi cho bú mẹ lại ngủ quên nên con sặc rồi ngạt mà không biết. Sau hơn 10 ngày cấp cứu tích cực, đến nay bé vẫn phải thở bằng máy và hôn mê.
Một ca sặc sữa đang được cấp cứu tại BV. (Ảnh minh họa)
Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, chuyên viên tư vấn trung tâm Nhịp cầu Hạnh phúc, nhìn nhận hàng ngày có hàng trăm mối nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải như: nước sôi, điện giật, té ngã, chết đuối, đánh nhau gây thương, tai nạn giao thông… mà nguyên nhân có thể do sự bất cẩn của cha mẹ hoặc đôi khi do trẻ quá hiếu động.
Mặc dù không thể tiên liệu hết mọi khả năng rủi ro tai nạn, song ông Thịnh cho rằng các bậc phụ huynh có thể bằng kinh nghiệm sống của mình và học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh cũng như sách báo, để biết cách hạn chế những tai nạn thường gặp nhất cho bé.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng TP HCM thì cho rằng, thực tế trẻ được vài tháng tuổi đã biết lật. Song nhiều phụ huynh nghĩ con mình còn bé nên chủ quan không trông chừng cẩn thận, hoặc vừa trông con vừa làm việc nhà nên vô tình để xảy ra tai nạn
- Nhắc nhở trẻ không được leo trèo cao, không lại gần ao hồ nước, không bỏ dị vật vào tai, ăn chin uống sôi… - Tất cả thuốc phải để trong hộp để trẻ không mở được hoặc xa tầm tay trẻ. - Hóa chất (dầu lửa, rượu, thuốc trừ sâu…) để trong nhà phải có nhãn, có nắp đậy và luôn vặn thật chặt và để xa tầm tay trẻ. - Cẩn thận không để bếp lửa, bếp ga đèn dầu, nước nóng ở những nơi trẻ có thể đến. - Ổ cắm điện phải trên cao xa tầm tay trẻ, tốt nhất nên sử dụng loại có nắp đậy, dây điện nên đi ngầm tốt hơn là lộ thiên. - Lan can cao để trẻ không trèo qua được. - Dao, kép, hộp nút, kim chỉ, hộp quẹt,…. để xa tầm tay trẻ hoặc trong hộp đậy kín. - Cầu thang cần có cửa, có chốt, khóa để trẻ không mở được. - Với trẻ nhỏ không nên cho nằm trên giường cao mà cho nằm nệm thấp. - Không để trẻ tiếp xúc với đồ thủy tinh dễ vỡ. - Các vật chứa nước phải được đậy cẩn thận. - Học bơi, học cách đi lại an toàn. |