Trẻ không nên lạm dụng váng sữa

Váng sữa có lượng chất béo cao. Trẻ em dễ sớm béo phì, thừa cân nếu lạm dụng váng sữa.

Theo thói quen, nhiều phụ huynh không tiếc tiền nghe theo lời khuyên của bạn bè để mua các loại váng sữa đắt tiền cho con. Tuy nhiên, việc mua theo cảm tính, không có sự tìm hiểu kỹ càng về giá trị, thành phần dinh dưỡng của váng sữa là một kiểu “đầu tư” cho con không đúng cách.

“Hoa mắt” vì váng sữa nhập khẩu

Nắm bắt được tâm lý thích hàng ngoại và “nuôi con theo số đông” của nhiều bà mẹ, các sản phẩm váng sữa xuất hiện nhan nhản trên thị trường Việt Nam gần đây đang được quảng cáo thổi phồng về giá trị và hiệu quả. Ví dụ cho rằng váng sữa là “những gì tốt nhất được chắt lọc từ sữa”, “giúp trẻ tăng cân, bổ sung nguồn năng lượng dồi dào, canxi cao (thường ở mức 15%), giúp trẻ chóng lớn...”. Chưa kể một số loại váng sữa được giới thiệu có hàm lượng vitamin, khoáng chất cao, phong phú dù trên nhãn của hầu hết các sản phẩm này lại không ghi cụ thể hàm lượng từng loại.

Nguồn váng sữa du nhập vào Việt Nam chủ yếu qua đường hàng không, là hàng xách tay nên người tiêu dùng khó kiểm soát được nguồn gốc, nhãn mác… Mặc dù vậy, vẫn có nhiều bà mẹ không cần biết thực chất giá trị dinh dưỡng của váng sữa thế nào mà vẫn “chạy đua” mua cho con ăn theo trào lưu và lời mách của bạn bè. Thậm chí, đa số bà mẹ tin rằng chọn váng sữa càng đắt, có xuất xứ từ các nước châu Âu thì càng tốt mà không chú ý đến hàm lượng dinh dưỡng trong váng sữa có phù hợp với sự phát triển của con trong từng độ tuổi hay không.

Trẻ không nên lạm dụng váng sữa - 1

Nên theo dõi chiều cao, cân nặng của con để có chế độ dinh dưỡng thích hợp (Ảnh minh họa)

Chỉ là món tráng miệng

Theo PGS-TS Phạm Văn Hoan, Viện Nghiên cứu Y - Xã hội học (ISMS), váng sữa thực chất là lớp kem sữa bên trên sữa, có chứa các thành phần tương tự sữa nhưng tỉ lệ giữa các chất chênh lệch cao. Hàm lượng chất béo có trong một hộp váng sữa chiếm 70%, thậm chí lên đến 90%, phần còn lại là một số vitamin và khoáng chất khác. Theo khảo sát của ISMS, chỉ có khoảng 3% các bà mẹ đọc thành phần dinh dưỡng của sản phẩm, điều này đồng nghĩa với việc rất ít người biết được thành phần chất béo quá cao này.

Cũng theo PGS-TS Hoan, trong một hộp váng sữa, chất béo chiếm đến trên 70% tổng năng lượng mà trẻ cần, cao gấp đôi so với chất béo trong một ly sữa thông thường của trẻ. Điều này không đồng nghĩa với nhận định “váng sữa có nhiều chất dinh dưỡng”, trái lại, ngoài chất béo, thành phần dưỡng chất khác trong váng sữa rất ít.

Trên thực tế, các sản phẩm gán mác “váng sữa” hiện nay trên thị trường Việt Nam chủ yếu là các chế phẩm từ váng sữa. Sự nhập nhèm trong việc chuyển ngữ từ “milk cream” sang tiếng Việt đã khiến nhiều bà mẹ bị ngộ nhận do không tìm hiểu kỹ càng các thông tin về dinh dưỡng có ghi trên vỏ hộp. “Milk cream” chính xác là kem sữa - một món tráng miệng giàu chất béo từ sữa mà người nước ngoài ăn kèm trong những bữa ăn phụ.

Theo BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, lượng váng sữa có thể cho trẻ ăn trong ngày phụ thuộc vào tuổi, cân nặng và loại váng sữa. Không nên cho trẻ ăn quá nhiều vì có thể gây đầy bụng, tiêu chảy do hàm lượng chất béo quá cao. Nếu lạm dụng váng sữa, trẻ sẽ sớm thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính. Do đó, khi chăm sóc con, phụ huynh nên chú ý bổ sung các loại thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cân bằng, theo dõi chiều cao và cân nặng trẻ đúng số tuổi của mình, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nguyễn (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN