Trẻ không đáp ứng hạ sốt, cha mẹ cần nghĩ ngay đến bệnh này
Khi trẻ bị nhiễm trùng thần kinh trung ương sẽ mệt mỏi, không chơi như bình thường và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Theo Ths.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), mùa hè là mùa của bệnh viêm não Nhật Bản nên các bậc phụ huynh phải hết sức lưu ý những triệu chứng sốt khác thường của con.
Triệu chứng cổ điển của viêm não Nhật Bản là sốt cao đột ngột, buồn nôn, nôn khan, đau đầu, phản ứng lờ đờ, chậm chạp. Khi trẻ bị nhiễm trùng thần kinh trung ương sẽ mệt mỏi, không chơi như bình thường và không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Theo bác sĩ Hải, một trong những nhóm nguyên nhân hay gặp của viêm não và viêm màng não là nhiễm trùng, có thể gây viêm màng não do virus trong đó, virus viêm não Nhật Bản để lại di chứng rất nặng. Viêm màng não do khuẩn phế cầu, cũng gây ra những nguy kịch cho sức khỏe, tỷ lệ tử vong cao.
Bác sĩ Hải cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản (chủ yếu viêm trong nhu mô não) thường gia tăng vào mùa hè, nhất là khi thời tiết thuận lợi cho loại muỗi lây truyền viêm não Nhật Bản phát triển hơn.
Hiện nay, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đang điều trị cho 4-5 bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản.
Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ đang vào mùa.
Bác sĩ Hải khẳng định, viêm não Nhật Bản do muỗi lây truyền, không phải do ăn vải. Nếu những bệnh nhi đó thật sự ăn vải mà sau thời gian ngắn từ 1, 2 tiếng hoặc vài ngày có thể gây ra viêm não, thì chắc chắn không phải là viêm não Nhật Bản.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do virus gây ra, làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Do đó, việc ăn quả vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.
Bệnh thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh điểm dịch khoảng tháng 6-7.
Theo ông Phu, dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê.
Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số biểu hiện quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.
Để phòng bệnh hiệu quả, theo ông Phu, tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả, an toàn nhất.
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính đến ngày 25/6, Hà Nội ghi nhận 9 trường hợp viêm não Nhật Bản.