Trẻ khi ngủ có biểu hiện này cha mẹ cần thận trọng nếu không muốn trẻ gặp nguy hiểm
Không ít trẻ khi ngủ thường phát ra tiếng ngáy to như người lớn. Việc trẻ khi ngủ có biểu hiện này cha mẹ cần thận trọng vì trẻ có thể gặp nguy hiểm dưới đây.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, việc trẻ khi ngủ phát ra tiếng ngáy to như người lớn không phải là hiếm gặp. Trẻ ngủ ngáy có thể do nhiều nguyên nhân như cơ họng yếu, bị các bệnh về mũi, sưng amidan, béo phì, tiếp xúc với môi trường khói, bụi, đặc biệt là hít phải khói thuốc lá… Trẻ gặp phải tình trạng này có thể dẫn tới nguy cơ rối loạn thở khi ngủ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về cả thể chất, tinh thần, trí tuệ.
Việc ngáy khi ngủ kéo dài phải há miệng để thở còn gây ảnh hưởng đến sự phát triển vùng hàm mặt, gây lệch khớp cắn, hàm hô… Nguy hiểm hơn khi trẻ ngủ ngáy lại kèm cơn ngưng thở, đột quỵ. Lượng oxi trong máu khi đó giảm xuống khiến oxi lên não cũng giảm và đến mức độ nào đó, tình trạng thiếu oxi sẽ bắt cơ thể phải thở làm trẻ khó chịu, ảnh hưởng giấc ngủ, chức năng hô hấp.
Ảnh minh họa
Khi quan sát, mọi người có thể thấy trẻ ngủ ngáy có những cơn ngừng thở, sau đó lại ngáy và lại ngừng thở. Thường ngày hôm sau trẻ luôn trong tình trạng mệt mỏi, thèm ngủ do thiếu ngủ, ngủ không được ngon giấc. Trẻ ngủ ngáy nếu ở độ tuổi đi học kèm theo các cơn ngưng thở thường khiến trẻ học kém, thiếu tập trung khi học.
Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học gần đây đã chỉ ra, rối loạn thở khi ngủ nhẹ hay ngáy ngủ có thể gây ra nhiều vấn đề như ngưng thở khi ngủ ở trẻ em. Ngủ ngáy có hai loại là ngủ ngáy sinh lý và ngủ ngáy bệnh lý. Với trường hợp ngủ ngày sinh lý không đáng lo, nhưng trẻ ngủ ngáy bệnh lý phải tìm nguyên nhân để điều trị. Việc điều trị ngủ ngáy ở trẻ phải theo nguyên nhân.
Trẻ có chỉ định cắt amidan khi ngủ ngáy kèm cơn ngưng thở mà nguyên nhân do amidan thứ phát. Bởi vậy, cha mẹ cần phải theo dõi giấc ngủ của con để hạn chế tối đa tác hại của ngủ ngáy là rất quan trọng. Phụ huynh theo dõi trẻ bằng cách đợi con ngủ say, vào giấc và theo dõi, đặc biệt chú ý tới cơn ngừng thở của con.
Khi ngủ trẻ ngáy thành từng cơn rồi đột nhiên ngừng một quãng sau lại ngáy chính là dấu hiệu của ngưng thở khi ngủ. Khi đó, cha mẹ nên cho con đi khám. Bác sĩ sẽ đánh giá nguyên nhân, có thể can thiệp xem cắt amidan chưa hay chỉ cần điều trị bằng thuốc… Không loại trừ trường hợp trẻ bị amidan rất bé, không sưng nhưng vẫn ngủ ngáy được xác định do mắc kèm thêm viêm mũi, tắc mũi. Lúc đó, điều trị chỉ cần tập trung vào bệnh lý về mũi mà chưa phải cắt bỏ amidan do không đủ lớn để làm cản trở đường thở.
Để hạn chế tình trạng ngủ ngáy ở trẻ em, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, các bậc cha mẹ cần theo dõi giấc ngủ của con. Khi trẻ ngủ ngáy cần đặt trẻ nằm nghiêng sang một bên sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn. Trước khi đi ngủ không cho trẻ ăn quá no hay đùa nghịch quá mức.
Đồng thời thực hiện thêm một số biện pháp như nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ trước khi ngủ, tránh cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, thực hiện chế độ ăn uống hợp lý giúp trẻ tránh bị thừa cân, béo phì; vệ sinh nhà cửa sạch sẽ tránh các tác nhân gây dị ứng cho trẻ. Trong trường hợp trẻ ngủ ngáy kèm theo dấu hiệu bất thường cần đi khám để bác sĩ có phương pháp điều trị.
Đột quỵ rất dễ gặp trong những ngày nắng nóng hiện nay và thường xảy ra ở người lớn. Tuy nhiên mới đây, các bệnh...
Nguồn: [Link nguồn]