Trẻ hôn mê, hoảng loạn vì miếng dán say tàu xe

Sự kiện: Sống khỏe

Do con hay bị say xe nên trước hôm đi du lịch, chị Lê Thảo Bình Chi (quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã mua sẵn miếng dán chống say tàu xe để dán cho con.

Sáu giờ sau khi sử dụng miếng dán, con trai năm tuổi của chị đột ngột rơi vào hôn mê, nói sảng, phải đưa vào bệnh viện (BV) cấp cứu.

“Các bác sĩ (BS) chẩn đoán bé bị viêm não và khuyên tôi nên đưa con về TP.HCM. Hai vợ chồng tôi tức tốc mua vé máy bay về TP và đưa con vào ngay BV Nhi đồng 2. Tại đây BS cho hay bé bị ảo giác, mê sảng do tác dụng phụ của miếng dán say xe, phải nằm lại BV theo dõi” - chị Chi kể.

Trẻ hôn mê, hoảng loạn vì miếng dán say tàu xe - 1

Ngoài bao bì miếng dán còn ghi có thể dùng cho trẻ sơ sinh. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Cách đây năm ngày, khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi đồng 1 TP.HCM cũng tiếp nhận bệnh nhi BT (chín tuổi, ngụ Hóc Môn, TP.HCM) trong tình trạng ngất xỉu, hôn mê, la hét, rối loạn tri giác... do được mẹ dán miếng dán chống say khi đi xe. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi đồng 1, mặc dù các BS đã cảnh báo rất nhiều lần về tác dụng phụ của miếng dán say tàu xe nhưng mỗi năm BV vẫn tiếp nhận trên 10 trường hợp trẻ hôn mê, hoảng loạn do miếng dán. Gần đây, số lượng bệnh nhi nhập viện do miếng dán đột nhiên tăng trở lại.

Tại tiệm thuốc Tây TV (gần chợ Thủ Đức), chúng tôi dễ dàng mua miếng dán chống say xe. Chủ tiệm cho biết miếng dán dùng được cho mọi lứa tuổi, nếu dùng cho trẻ em chỉ cần cắt miếng dán làm hai, trẻ nhỏ hơn nữa thì chia miếng dán làm tư, không lo tác dụng phụ. Thậm chí phần hướng dẫn trên bao bì còn ghi có thể dùng cho trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, theo BS Khanh, miếng dán chống say tàu xe chống chỉ định với phụ nữ mang thai, cho con bú, người có các bệnh về gan, thận và nhất là trẻ em dưới 12 tuổi. “Miếng dán chỉ hiệu quả với người lớn, tuyệt đối không dùng cho trẻ em do chất scopolamin trong miếng dán sẽ khiến trẻ bị hoảng hoạn, hôn mê, nói sảng... Nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến thần kinh, nặng hơn nữa là ngưng thở. Một số người lớn dùng miếng dán cũng có thể bị dị ứng, mất phương hướng, ảo giác, mờ mắt, tim đập nhanh…” - BS Khanh khuyến cáo.

Theo BS Khanh, nếu trẻ bị say tàu xe, cha mẹ nên dùng các biện pháp dân gian như không cho trẻ ăn quá no hoặc để trẻ quá đói, khi lên xe đừng nhắc chuyện say xe, dùng gừng xoa hai bên mang tai trước khi lên xe... thay vì dùng miếng dán.

Nguy hiểm khi dùng miếng dán chống say tàu xe sai cách

Khi dùng loại thuốc thấm qua da này dễ gặp những tác dụng phụ rất nguy hiểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phượng (Pháp luật TPHCM)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN