Trẻ ho kéo dài, tím tái: Nguy hiểm đến tính mạng

Biểu hiện ban đầu của bệnh ho gà chỉ là cơn ho húng hắng, sổ mũi, nhiều cha mẹ nghĩ con bị cảm cúm nên cho uống thuốc qua loa. Tuy nhiên, nếu không điều trị, để bệnh nặng thành những cơn ho kéo dài, co thắt ngực, rất dễ nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt ở những trẻ dưới 1 tuổi.

Dễ chẩn đoán nhầm

Chị Vũ Thị Thúy (Quảng Ninh) đưa con 2 tháng tuổi lên Bệnh viện Nhi T.Ư khám ngày 16.4 trong tình trạng ho thắt ngực, tím tái. Chị cho biết trước đó con chị ho từng tiếng một, hơi khàn khàn, chảy nước mũi nên chị đưa con đi khám.

Trẻ ho kéo dài, tím tái: Nguy hiểm đến tính mạng - 1

Một số trẻ bị ho gà điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư.  Diệu Linh

Tuy nhiên, bệnh viện địa phương chẩn đoán con chị bị viêm thanh quản, chỉ kê cho ít thuốc ho. Nhưng càng ngày, chị Thúy càng thấy con ho nặng hơn, cơn ho kéo dài vài phút, có lúc tím tái cả mặt, chị sợ hãi nên đưa con lên tuyến trên. Ngay sau khi khám, các bác sĩ đã cho bé nhập viện điều trị bởi tình trạng bệnh rất nặng.

Tương tự, chị Trần Thị Quế (Bắc Giang) cứ tưởng con gái bị cảm cúm khi ho húng hắng, chảy nước mũi. Chị cho con uống thuốc giải cảm, ngậm chanh mật ong nhưng suốt 20 ngày con vẫn không đỡ. Có lúc mệt lả, chị tưởng con ho đến quên thở, tím tái cả người.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm-Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm đơn nguyên I (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, mỗi tháng, bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca với các biểu hiện đặc trưng như ho dai dẳng, từng cơn kéo dài.

Nhưng cũng chỉ số ít có xét nghiệm dương tính với ho gà. Điều đáng chú ý là nhiều trẻ bị ho gà kéo dài cả tháng cha mẹ mới đưa con đi khám. Hầu hết cha mẹ cho biết tưởng con bị viêm họng, cảm cúm nên tự điều trị ở nhà.

“Giữa các cơn ho trẻ hầu như khỏe mạnh, vẫn ăn uống, vui chơi. Tuy nhiên, đối với các trẻ nhỏ dưới 1 tuổi thì đặc biệt nguy hiểm vì các cơn ho nặng, kéo dài có thể khiến suy hô hấp, ngạt thở” – bác sĩ Lâm cho biết.

Tiêm phòng đầy đủ

PGS-TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời gian qua ở một số địa phương đã xuất hiện các trường hợp trẻ bị ho gà. Phần lớn trẻ đều chưa đến tuổi tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Một số phụ huynh chậm trễ tiêm phòng cho con là do đợi vaccine dịch vụ 5 trong 1 mà không cho con đi tiêm vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo ông Phu, ho gà là bệnh lây lan rất nhanh theo đường hô hấp. Chỉ cần một trẻ mắc bệnh, ho bắn virus ra khắp nơi thì trẻ khác có thể bị lây nhiễm. Ho gà có khởi phát giống như bị cảm lạnh- sốt nhẹ, sổ mũi, ho. Nhưng sau 2-3 tuần khởi phát thì cơn ho sẽ dồn dập nhiều lần, kéo dài, trẻ không kịp thở cho đến khi khạc ra cục nhày đặc, trẻ thở rít từng cơn.

Khi ho kéo dài, môi, móng tay của trẻ cũng bị tím lại vì thiếu không khí. Trẻ mắc ho có thể bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi. Với trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng bệnh ho gà rất dễ trở nặng và tử vong.

“Ho gà có khởi phát không điển hình. Dó đó khi thấy trẻ có các cơn ho liên tục, mắt sưng hum húp. Ở quanh nơi ở có các trẻ đã bị ho gà thì nghĩ ngay đến việc trẻ đã bị ho gà và điều trị như ho gà bằng kháng sinh” – TS Phu nhấn mạnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, ho gà là bệnh có thể phòng được bằng vaccine. Tuy nhiên, vaccine ho gà không phải vaccine phòng bệnh vĩnh viễn, cần phải tiêm nhắc lại. Khả năng phòng bệnh của vaccine này cũng chỉ 75-80%, do đó mỗi năm vẫn còn nhiều trẻ bị mắc ho gà.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN