Trẻ gù lưng vì dùng xe tập đi sớm

“Cho con dùng xe tập đi sớm, đến khi biết ngồi, cháu bị gù hết lưng, tôi đang tìm bác sĩ để chữa”, chị Yến ân hận.

Hiện nay rất nhiều bà mẹ "ép" trẻ sử dụng xe tập đi sớm với hy vọng con sẽ cứng cáp và nhanh biết đi hơn.

Chị Nguyễn Hải Yến (Hai Bà Trưng Hà Nội) có con 8 tháng vẫn chưa biết đi. Sốt ruột, chị mua xe  về cho con tập hàng ngày nhưng trái với mong muốn của chị, cháu bé tới 15 tháng vẫn chưa biết đi .Chị Yến rất ân hận vì sự “ham hố” của mình. “Cháu ngồi bị gù hết cả lưng, tôi đang tìm bác sĩ để chữa cho cháu đây”, chị Yến nói.

Cậu con trai mới 5 tháng tuổi của anh Nguyễn Văn Đạo (Hoàng Mai, Hà Nội) bị bố "ép" ngồi xe tập đi cho quen. Theo anh Đạo, cho con dùng xe tập đi sớm sẽ giúp con nhanh biết đi hơn, cứng cáp hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, ép trẻ tập đi sớm là việc làm "thái quá bất cập".

BS Trịnh Quang Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hiện nay rất nhiều bà mẹ "ép" trẻ sử dụng xe tập đi sớm với hy vọng con sẽ cứng cáp và nhanh biết đi hơn. Tuy nhiên, việc làm này là "thái quá bất cập" bởi "ép" trẻ tập đi quá sớm có thể khiến trẻ có dáng đi vòng kiềng, một chân thẳng, một chân cong, bàn chân bẹt.

Trẻ gù lưng vì dùng xe tập đi sớm - 1

Trẻ dùng xe tập đi sớm có thể ảnh hưởng đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ. (Ảnh: Gia đình & Xã hội)

Bác sĩ Mai Trung Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện 354 khẳng định, cho trẻ ngồi xe tập đi lúc trẻ mới 5,6 tháng là quá sớm bởi hệ xương của trẻ còn rất yếu. Cha mẹ ép buộc trẻ tập đi sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cột sống, sụn đầu xương và các cơ của trẻ. Cụ thể, khi trẻ ngồi xe tập đi sớm ảnh hưởng đầu tiên đến cột sống. Việc chịu áp lực chèn lên cột sống, có nguy cơ khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống. Hơn nữa, các cơ của trẻ đang yếu chưa thể chống đỡ với sức nặng. Đặc biệt, trẻ có thể bị gù vẹo cột sống ngay khi còn nhỏ nếu trẻ ngồi xe tập đi quá sớm.

Việc lạm dụng xe tập đi quá sớm, quá nhiều có thể làm chậm khả năng biết đứng, biết đi của trẻ. Vì xe tập đi rất trơn, lăn nhanh nên trẻ chỉ cần đẩy nhẹ chân cũng có thể khiến xe bon bon chạy. Vì vậy, trẻ thường không đặt cả bàn chân xuống đất mà chỉ đi bằng 5 đầu ngón chân.

Thói quen này sẽ theo trẻ ngay cả khi bỏ xe ra. Chính vì đi bằng 5 đầu ngón chân nên trẻ sẽ không tự giữ được thăng bằng như những trẻ tập đi bình thường và tất nhiên sẽ chậm biết đi hơn trẻ không dùng xe.

Bác sĩ Mai Trung Dũng, Phó Chủ nhiệm Khoa Phục hồi chức năng, BV 354

“Tập đi sớm, xương của trẻ cũng bị xơ hóa sớm, xương phát triển chậm lại. Bé không đạt được chiều cao như bình thường”, bác sĩ Dũng nói.

BS Dũng lý giải, khi não và các cơ quan hoạt động của trẻ còn chưa phát triển, một số phụ huynh đã nóng vội, sốt ruột bắt trẻ tập ngồi, đứng và đi lại quá sớm làm cho cột sống trẻ còn non nớt phải gánh chịu tải trọng lớn của đầu và phần trên cơ thể nên dễ gây hiện tượng đau lưng về sau. Vì vậy chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ đi xe tập đi và vận động theo đúng khả năng của mình.

Các bác sĩ khuyến cáo,  trẻ bắt đầu tập ngồi, người lớn phải đỡ từ sau lưng và quan sát xem trẻ có đủ cứng hay không. Nếu thấy con có xu hướng nhoài người và đầu về phía trước mà tay chưa đủ sức đỡ cơ thể thì tốt nhất hãy đợi thêm một thời gian nữa khi trẻ cứng cáp hơn hãy cho tập ngồi.

Theo các bác sĩ, khi trẻ tập đi thường có xu hướng cúi đầu xuống, người đổ nhiều về phía trước chính vì vậy các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian uốn nắn và chỉnh dáng đi cho trẻ giữ cho đầu thẳng, hai vai cân đối, ngực ưỡn ra trước… Đây là giai đoạn đầu tiên cũng là một trong những bước quan trọng nhất tránh cho trẻ bị gù hay cong vẹo cột sống sau này.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, cha mẹ nên căn cứ vào thời điểm từ 10-18 tháng để dạy trẻ tập đi. Nếu trẻ chưa muốn tập đi thì không nên ép. Để trẻ vận động theo khả năng tự nhiên của mình.  Ngoài ra, khi phát hiện trẻ có những bất thường về dáng đi như chân cong, bàn chân xoay trong, khó khăn khi ngồi khoanh chân đi hay vấp ngã cần cho trẻ đi khám sớm để được điều trị kịp thời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN