Trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ tuyệt đối không làm việc này để phòng biến chứng

Khi trẻ bị đau mắt đỏ, cha mẹ tuyệt đối không nên nhỏ sữa hoặc dùng lá trầu không để xông vì sẽ khiến bệnh nặng hơn, dễ đối mặt với nguy cơ biến chứng ở mắt.

Dịch đau mắt đỏ đã xuất hiện rải rác trong mùa hè, tuy nhiên đầu năm học mới tình trạng lây lan đau mắt đỏ ở trường học tăng mạnh. Nhìn chung, dịch đau mắt đỏ năm nay kéo dài và diễn biến nặng.

Trong quá trình thăm khám, TS.BS Đặng Xuân Nguyên - Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết, các bác sĩ cũng nhận định năm nay tình trạng trẻ mắc đau mắt đỏ lâu khỏi hơn, vì có nhiều trường hợp sau thời gian dài điều trị ở nhà hoặc điều trị tuyến dưới không thấy khỏi bệnh mới tới bệnh viện khám thì đã gặp biến chứng. Ngoài ra, các bác sĩ vẫn gặp các ca chủ quan, đến khám muộn, cứ chờ khỏi theo tự nhiên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây viêm kết mạc khá đa dạng như virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng… Năm nay, nguyên nhân chủ yếu là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỉ lệ khác nhau tùy theo vùng dịch tễ. Với mỗi loại virus có những đặc điểm riêng như enterovirus có thể gây bệnh khá cấp tính và diễn biến nặng, adenovirus hay gây ra viêm giác mạc mạn tính… 

Bệnh viêm kết mạc cấp là một bệnh lành tính, nếu được khám và điều trị đúng bệnh sẽ khỏi trong vòng 1 đến 2 tuần, những trường hợp có kèm theo viêm giác mạc bệnh có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm. Nếu bệnh nhân tự điều trị không đúng có thể gây biến chứng viêm loét giác mạc và bệnh nhân có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.

Sai lầm cần tránh khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ để phòng biến chứng

Có nhiều xử trí sai lầm của bố mẹ khiến con có thể đối diện với tình trạng mắt bị đau nặng hơn, có thể làm giảm thị lực của trẻ.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Thị Quỳnh Anh, Phó Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi con đau mắt đỏ, cha mẹ không nên nhỏ sữa hoặc dùng lá trầu không.

Theo chuyên gia này, khi kết mạc bị viêm, sữa là môi trường cho vi khuẩn phát triển. Do đó, việc cha mẹ nhỏ sữa làm tình trạng viêm kết mạc của trẻ diễn biến nặng lên.

Trong khi đó, lá trầu không có chứa tinh dầu, khi xông phải dùng hơi nóng để tinh dầu trầu không bay hơi. Khi kết mạc bị viêm, giác mạc đang bị thương, hơi nóng của tinh dầu trầu không có thể làm cho giác mạc, kết mạc bị viêm nặng nề hơn.

“Chúng tôi từng tiếp nhận bệnh nhân đến khám dùng lá trầu không bị bỏng cả giác mạc, kết mạc. Như vậy, lá trầu không làm nặng lên tình trạng viêm giác mạc, có thể làm sẹo đục giác mạc vĩnh viễn, có thể làm mất thị lực của trẻ”, bác sĩ Quỳnh Anh khuyến cáo.

Viêm kết mạc cấp 80% do virus, do vậy không có phương pháp điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và phát hiện sớm biến chứng để điều trị, tránh biến chứng giảm hoặc mất thị lực của trẻ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đau mắt đỏ tại nhà 

Thông thường, bệnh đau mắt đỏ thường được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Do vậy, bố mẹ cần trang bị cho mình các cách chăm sóc trẻ đúng cách nhằm giúp bệnh nhanh khỏi và hạn chế sự lây lan.

Vệ sinh mắt đúng cách

Trẻ bị đau mắt đỏ cần được vệ sinh mắt thường xuyên và đúng cách. Mẹ nên dùng một chiếc gạc hoặc khăn sạch đã được khử khuẩn, thấm nước sạch và cẩn thận lau quanh vùng mắt cho trẻ. Trẻ có ghèn mắt, mẹ nên dùng tăm bông lấy hết ghèn cho trẻ. Khi vệ sinh mắt cho trẻ, mẹ nên thực hiện từ mắt không bị nhiễm sang mắt bị nhiễm, từ mắt bị nhẹ sang mắt bị nặng. Tăm bông, gạc, khăn sau khi lau mắt cho trẻ cần được xử lý đúng cách.

Ngăn ngừa lây lan

Vì vậy, khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, người chăm sóc, bố mẹ, người thân cần chú ý thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh. Hơn nữa, bố mẹ nên nhỏ mắt cho trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn chặn nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng và lây lan đến các cơ quan khác trong mắt.

Ngăn ngừa tái nhiễm

Đau mắt đỏ có thể được gây ra bởi nhiều tác nhân khác nhau nên khi đã được chữa khỏi bệnh, trẻ vẫn có nguy cơ tái nhiễm. Vậy nên, bố mẹ không nên chủ quan sau khi trẻ đã khỏi bệnh, thay vào đó, hãy thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ để ngăn chặn sự tái nhiễm ở trẻ.

Sinh hoạt khoa học

Khi chăm sóc trẻ bị đau mắt đỏ, bố mẹ nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, khoa học để bổ sung đủ năng lượng và dưỡng chất cho trẻ. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước hơn và ăn uống đủ chất. Ngoài ra, cần cho trẻ tăng cường vận động, tránh cho trẻ tiếp xúc với màn hình, tivi, điện thoại hay các thiết bị điện tử khác.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại củ tốt nhất trong mùa Thu giúp ngăn bệnh cảm lạnh, cảm cúm, tiểu đường... nhưng người bị đau mắt đỏ cần tuyệt đối tránh

Hành tây được chứng minh là có chứa quercetin, giúp chống lại cảm lạnh, cúm, viêm amidan, ho, hen suyễn và dị ứng một cách tự nhiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.M ([Tên nguồn])
Bệnh đau mắt đỏ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN