Trẻ béo phì một phần do không bú mẹ hoàn toàn
“Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tốc độ gia tăng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì. Trong 10 năm 2000-2010 tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi gia tăng 9,2 lần” – PGS. TS Lê Bạch Mai nói.
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp ngăn ngừa tình trạng thừa cân, béo phì
Tại hội thảo đánh giá việc tuân thủ các quy định về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ do Bộ Y tế phối hợp với Giám đốc Chương trình A & T Đông Nam Á ngày 5/7, TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết ngày càng thêm nhiều bằng chứng cho thấy giá trị vô cùng quan trọng của sữa mẹ. Nghiên cứu mới đây của Đại học Y tế Công cộng Harvard cho thấy nếu không cho trẻ bú sớm, thời gian bú không đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới béo phì của trẻ sau này. Ngoài ra, tạp chí Lancet cũng chỉ ra rằng nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp giảm hàng nghìn ca tử vong ở trẻ sơ sinh, giảm ốm đau, giảm nhu cầu sử dụng kháng sinh và các thuốc khác. Trên toàn cầu ước tính 800.000 trẻ mỗi năm có thể được cứu nếu trẻ được nuôi bằng sữa mẹ.
PGS. TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng cũng khẳng định việc nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp vô cùng quan trọng để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng. Trong 1.000 ngày vàng đầu đời của trẻ thì có đến 720 ngày có sự tham gia của sữa mẹ, trong đó 180 ngày đầu tiên trẻ được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ.
Theo đó, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng: trong 1000 ngày vàng này, trẻ được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có hệ miễn dịch tốt và phát huy hết tiềm năng về thể chất và trí tuệ trong tương lai. Dinh dưỡng đúng cách sẽ ngăn chặn được 1 phần 5 nguy cơ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi, tăng gấp 10 lần khả năng vượt qua những bệnh gây tử vong ở trẻ em như tiêu chảy, viêm phổi và sốt rét. Và trẻ em được nuôi dưỡng đúng cách sẽ có chỉ số thông minh cao hơn, khả năng học tập tốt hơn và thu nhập cao hơn khi trưởng thành. Và trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách trong 1000 ngày vàng này sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Nếu trẻ bị thấp còi khi còn nhỏ, khi trưởng thành cũng sẽ thấp. Nếu trẻ phát triển tốt khi còn nhỏ sẽ trở thành một người trưởng thành cao lớn.
Tuy nhiên, PGS. TS Lê Bạch Mai cảnh báo, tại nước ta tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn không thay đổi trong thời gian vừa qua. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ này chỉ dao động 16-19% (cứ 10 bà mẹ thì không quá 2 người nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn). Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp cũng là một yếu tố ảnh hưởng lớn đến tốc độ gia tăng tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thừa cân béo phì. Trong 10 năm 2000-2010 tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi gia tăng 9,2 lần. Đây là điều đáng báo động.
Vì thế, theo PGS. TS Lê Bạch Mai thì vấn đề cần quan tâm là làm thế nào để người mẹ không bị tác động bởi quảng cáo sữa, các sản phẩm thay thế sữa mẹ là hết sức cần thiết. Để ngăn ngừa tình trạng này, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100 quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo, trong đó có quy định cấm quảng cáo sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ 0-24 tháng tuổi… Tuy nhiên, sau hơn một năm nghị định có hiệu lực vẫn còn tồn tại nhiều hình thức vi phạm.
Làm rõ hơn vấn đề này, Ths. Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: “Tôi biết có những công ty sữa nắm được toàn bộ thông tin, số điện thoại của sản phụ đến sinh con tại một cơ sở y tế để tìm cách tiếp cận. Ngay bản thân tôi khi đến khám thai chuẩn bị sinh con, ngồi ở bệnh viện, có nhân viên của hãng sữa đến tiếp thị, xin số điện thoại và khi tôi vừa sinh con xong thì có hãng sữa gọi điện tư vấn dùng sản phẩm thay thế sữa mẹ. Rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè của tôi cũng chia sẻ như vậy”
Tương tự, Quỹ Tiếp cận Dinh dưỡng (ATNF) đã tiến hành một khảo sát tại 38 cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2015. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã phỏng vấn 814 phụ nữ mang thai, người mẹ có con nhỏ dưới 6 tháng tuổi và 131 nhân viên y tế tại mỗi cơ sở được lựa chọn. Kết quả cho thấy, 80% phụ nữ cho biết vẫn nhận được các mẫu sản phẩm thay thế sữa mẹ miễn phí từ các công ty khi họ mang bầu hoặc sinh con. Đáng lưu ý trong số này, 3,6% các bà mẹ cho biết được nhân viên ý tế trao đổi về việc sử dụng các sản phẩm thay thế sữa mẹ và có tới 75,9% nhân viên y tế gợi ý sử dụng một sản phẩm cụ thể.
Bà Inge Kauer, Giám đốc điều hành Quỹ Tiếp cận Dinh dưỡng cho biết: “Việt Nam nhiều các sản phẩm công thức từ các công ty trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật hoặc các nước khác. Theo đó, khảo sát trực tiếp tại 114 điểm bán lẻ cũng phát hiện có đến 51 điểm có hoạt động khuyến mại sản phẩm thay thế sữa mẹ, kể cả ở các siêu thị, đại lý”.