Trào lưu quý ông lưu trữ tinh trùng

Dịch vụ lưu trữ tinh trùng xuất hiện tại nhiều bệnh viện tạo điều kiện dễ dàng giúp nhiều quý ông có thể gửi được “con giống” của mình đảm bảo tương lai mai sau.

Trào lưu quý ông lưu trữ tinh trùng - 1

Cán bộ Trung tâm Mô phôi tiến hành lưu trữ tinh trùng cho khách hàng

Người đã khuất vẫn có cơ hội làm... cha

Tại Trung tâm Công nghệ Mô phôi, Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ vẫn ấn tượng về câu chuyện lưu trữ “con giống” đầy cảm động của anh Nguyễn Văn Thành (trú tại Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đang bị ung thư hạch giai đoạn 2 và chỉ còn vài ngày nữa bước vào đợt điều trị hóa trị đầu tiên, anh Thành quyết định đến trung tâm để gửi gắm tinh trùng. Theo chia sẻ của anh Thành, ý nghĩ lưu lại tinh trùng không bắt đầu từ anh mà từ chính người yêu anh. Chị một mực khuyên anh nên đi gửi tinh trùng vì họ mong muốn sau này khi điều trị xong bệnh ung thư, anh Thành không còn lo lắng về việc sinh con. Ý nghĩ của người yêu anh được gia đình anh Thành rất ủng hộ.

BS. Tăng Đức Cương, Bệnh viện Bưu Điện cho biết, ông cũng vừa tiếp một bệnh nhân trẻ mắc quai bị, đi khám và phát hiện tinh hoàn có biểu hiện viêm teo, rơi vào nguy cơ vô sinh lớn nên vội vàng sinh thiết chọc lấy tinh trùng để gửi vào ngân hàng.

Tại các ngân hàng tinh trùng, các mẫu tinh trùng sẽ được đánh dấu theo mã riêng và đặt vào trong các bình nitơ ở nhiệt độ -190OC. Các mẫu tinh trùng được lưu trữ khoảng 15 năm nhưng theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa, sau 10 năm có thể chất lượng tinh trùng sẽ bị ảnh hưởng.

Không chỉ những người mắc bệnh nặng, bị tai nạn lao động mà nhiều người trẻ cũng gửi tinh trùng phòng bất trắc. Như trường hợp của bạn trẻ Trần Viết Nam (sinh viên một trường Đại học tại Hà Nội), vốn là con một, lại ham chơi nên theo tâm sự của Nam “em phòng bất trắc”. Nam giấu gia đình, tự đến viện làm thủ tục lưu trữ “con giống”. “Mỗi tháng chỉ hết hơn 100 nghìn đồng tiền phí lưu trữ, bằng buổi cà phê vỉa hè”, Nam chia sẻ.

Tương tự, anh Vũ Cao Thiều (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, mới 25 tuổi, chưa lập gia đình. Nhân dịp về nước nghỉ phép, anh Thiều quyết định đem gửi tinh trùng. Anh giải thích, công việc hiện vất vả, vắt sức lao động quá nhiều, chỉ một năm anh sụt cả chục cân. “Gửi từ bây giờ, khi sức lực dồi dào, cho chắc ăn. 5 năm nữa, hết đợt lao động xuất khẩu, mình về không còn phải lo lắng đến chất lượng của tinh trùng nữa”, anh Thiều nói.

TS. Lê Vương Văn Vệ, cha đẻ của công trình sinh con từ tinh trùng người đã khuất cho biết, ngoài những trường hợp kể trên, ngày càng có nhiều gia đình gửi tinh trùng của người đã khuất. Như trường hợp của gia đình chị Hoàng Thu Hà (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội), chồng chị mới qua đời vì căn bệnh suy tim cấp. Trước đó, vợ chồng Hà đã mạnh dạn gửi mẫu tinh trùng tại đây với hi vọng sau này có cơ hội sinh thêm con và đến nay đã rất hạnh phúc khi thực hiện được ý nguyện của mình.

Tại Bệnh viện Việt Đức, nhiều trường hợp bị tai nạn chết não, gia đình cũng có nguyện vọng gửi mẫu tinh trùng vì họ hi vọng có thể giữ lại một phần “nòi giống”, như trường hợp của gia đình anh Trương Văn Th. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) là điển hình. Sau khi chết não, gia đình đã gọi điện nhờ bác sĩ chuyên khoa đến lấy mô tinh trùng đi lưu trữ.

Bệnh di truyền: không giới hạn nhưng cần cân nhắc

BS. Tăng Đức Cương, BV Bưu Điện cho biết: “Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ có suy nghĩ gửi lưu trữ tinh trùng. Mỗi người một lý do khác nhau nhưng ở họ đều có chung ý muốn bảo vệ “giống nòi”.

Tuy nhiên, theo BS. Vệ, trong 10 người gửi thì chưa đến 1 người có ý định sử dụng mẫu tinh trùng này sau 3 năm. Bởi khi muốn lấy mẫu tinh trùng đi làm thụ tinh trong ống nghiệm sẽ xuất hiện nhiều khó khăn hệ luỵ khác. Và trên thực tế không phải ai cũng đủ dũng cảm để sinh con cho những người đã khuất cách đây vài năm.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia nam khoa, những trường hợp mắc quai bị cần gửi tinh trùng bởi sau khi bị quai bị, nếu xuất hiện tượng viêm đau tinh hoàn chắc chắn dễ biến chứng teo tinh hoàn, gây vô sinh.

Hiện nay, chi phí bảo quản tinh trùng thấp, tuy nhiên, mỗi viện có mức chi phí khác nhau. Tại Bệnh viện Bưu Điện, chi phí gửi năm đầu tiên khoảng 3 triệu đồng và 1,5 triệu đồng/năm tiếp theo. Còn tại Trung tâm Mô phôi trường Đại học Y Hà Nội, chi phí gửi khoảng 2 triệu đồng/năm. “Nếu sau một thời gian gửi gia đình không muốn nhận nữa thì có thể tiến hành hiến mẫu tinh trùng này vào ngân hàng tinh trùng để sử dụng cho những người hiếm muộn không thể sinh con bằng tinh trùng của mình”, ông Vệ cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Mạnh Hà, Trung tâm Công nghệ Mô phôi, Đại học Y Hà Nội cho biết: Hoàn toàn không giới hạn đối tượng đến lưu trữ “con giống”, kể cả với người mắc bệnh di truyền. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện với đối tượng trữ tinh trùng để sử dụng cho riêng mình, không áp dụng với trường hợp hiến tặng tinh trùng.

Tuy nhiên, BS. Hà lưu ý, với những bệnh nhân ung thư cần tiến hành lưu trữ trước khi xạ trị, truyền hóa chất, bởi nếu sau khi đã dùng hóa chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.  Sau quá trình lưu trữ tinh trùng, nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng, “con giống” sẽ được lựa chọn kỹ càng trước khi cấy phôi. Riêng đối với những người mắc bệnh di truyền, sẽ được khuyến cáo chẩn đoán tiền chuyển phôi nhằm hạn chế tối đa gen bệnh di truyền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Vũ (Giao thông vận tải)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN