Trai làng nô nức đi triệt sản

Trong vòng 3 năm trở lại đây (từ 2010- 2012), chỉ riêng huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang có tới 869 nam giới thực hiện đình sản; một con số kỷ lục mà ít địa phương nào vận động được. Vì sao nam giới ở Châu Thành A lại nô nức đi đình sản đông như vậy?

“Hồi trước mỗi khi cán bộ dân số đến nhà vận động chị em phụ nữ thực hiện kế hoạch hóa gia đình là mấy anh phản đối kịch liệt. Họ bảo sinh con hay không là chuyện của gia đình họ, không phiền đến ngành dân số; thậm chí có người đóng cửa không thèm tiếp cán bộ dân số. Song mưa dầm thấm sâu đã từng bước thay đổi tư tưởng, nhận thức của nam giới, chẳng những đồng tình ủng hộ chủ trương kế hoạch hóa mà còn mạnh dạn đứng ra chia sẻ khó khăn, gánh nặng với vợ bằng cách tự nguyện đi đình sản”- chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Châu Thành A, phân tích về chuyện đình sản nam tăng mạnh ở địa phương mình.

Để chứng minh thực tế, chị Hồng đưa chúng tôi đi gặp những đối tượng nam tự nguyện đình sản. Ghé nhà anh Nguyễn Văn Hưởng, nằm sâu trong ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Ròi, anh cho biết: Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn nên sau khi lấy vợ ra ở riêng chẳng có tài sản gì quý giá. Vợ chồng quần quật làm thuê kiếm sống, nhưng quay đi quay lại đã có 2 mặt con. Con càng lớn, càng thêm gánh nặng chuyện cơm áo gạo tiền, vì vậy vợ chồng quyết định không sinh thêm. Được cán bộ dân số và chính quyền ấp vận động kế hoạch hóa, anh Hưởng đồng ý thực hiện biện pháp sử dụng bao cao su. Nhưng rồi những lúc nhậu xỉn lại “quên sử dụng” dẫn tới nguy cơ vỡ kế hoạch. Qua trao đổi với cán bộ dân số sau những lần “hú hồn” trên, anh Hưởng tình nguyện chuyển sang sử dụng biện pháp an toàn tuyệt đối là đình sản.

Theo anh Hưởng, trước đây chưa biết nên sợ đình sản bị ảnh hưởng sức khỏe hoặc mất “bản lĩnh đàn ông”… Từ khi đình sản đến nay đã mấy năm, mọi sinh hoạt vẫn bình thường, vợ chồng an tâm làm ăn vì không còn sợ vỡ kế hoạch; nhờ đó mà kinh tế gia đình cải thiện rõ rệt. Anh vừa xây xong căn nhà kiên cố trị giá 95 triệu đồng, trong đó có 25 triệu đồng được hỗ trợ từ chương trình “Mái ấm công đoàn”. Tết Quý Tỵ 2013 này, lần đầu tiên gia đình được đón tết trong căn nhà mơ ước.

Cũng ở ấp Láng Hầm A, anh Trần Văn Nai dù mới 29 tuổi cũng tự nguyện đi đình sản. Anh Nai tâm sự, vợ chồng không có ruộng đất, không nghề nghiệp, quanh năm sống nhờ làm thuê. Cuộc sống ngày càng khó, trong khi vợ chồng đã có 2 con trai (8 tuổi và 3 tuổi) nên không dám sinh thêm. Mấy lần định đi đình sản nhưng không dám vì sợ mổ và sợ bị “tửng” như một số tin đồn. Tháng 4-2012, sau khi được cán bộ dân số và lãnh đạo ấp tư vấn thêm về đình sản nam an toàn, nhanh chóng, tiện lợi; đồng thời chia sẻ gánh nặng cho chị em phụ nữ về chuyện sinh đẻ… anh Nai “thông” tư tưởng và tình nguyện thực hiện. “Thông rồi, nhưng hôm bước vô phòng mổ cũng toát mồ hôi, thấy lo trong bụng. 20 phút sau, mọi chuyện ổn cả trong lòng mới yên tâm. Sau 3 ngày nghỉ ngơi, sức khỏe và các sinh hoạt bình thường như trước” - anh Nai kể.

Còn nhiều băn khoăn

Theo thống kê của Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Châu Thành A, năm 2012 tỉnh giao chỉ tiêu đình sản 78 ca, kết quả thực hiện được 386 ca; trong đó có tới 368 ca đình sản nam. Một số địa phương như thị trấn Rạch Ròi giao chỉ tiêu 8 ca, thực hiện tới 78 ca đình sản, tất cả đều là nam; thị trấn Một Ngàn giao chỉ tiêu 7 ca nhưng thực hiện đến 98 ca đình sản – 100% là nam… Trước đó, năm 2011 tỉnh Hậu Giang giao chỉ tiêu cho huyện Châu Thành A 80 ca đình sản, kết quả thực hiện được 329 ca; trong đó có 271 ca đình sản nam. Tính riêng 3 năm gần đây (từ 2010- 2012) huyện Châu Thành A có tới 869 nam giới đi đình sản, một con số kỷ lục mà hiếm nơi nào làm được.

Trai làng nô nức đi triệt sản - 1

Ông Huỳnh Văn Tùng (bìa phải) ở thị trấn Một Ngàn, Hậu Giang kể chuyện tự nguyện đi đình sản.

Giải thích nguyên nhân đình sản nam ở các xã, thị trấn trong huyện tăng mạnh, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho rằng: “Vấn đề quan trọng là công tác tuyên truyền, vận động xuyên suốt nhiều năm để thay đổi tư tưởng, nhận thức về kế hoạch hóa. Phải làm cho người dân hiểu và đồng thuận chủ trương “dừng lại 2 con để nuôi dạy cho tốt”. Ở Châu Thành A, nếu như trước đây mỗi lần họp về đình sản nói riêng và kế hoạch hóa nói chung đa phần chị em phụ nữ đi dự. Gần đây, huyện đẩy mạnh vận động nam giới đi họp và tham gia các hoạt động về kế hoạch hóa. Nam giới là trụ cột, là chủ gia đình, một khi họ đồng thuận, ủng hộ đình sản thì mọi việc dễ dàng hơn”.

Đứng về góc độ chuyên môn, chị Nguyễn Thị Hồng, Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, giải thích thêm: “Nếu như đình sản nữ phải mất từ 1-2 giờ phẫu thuật mới xong và tốn thêm nhiều ngày sức khỏe mới bình phục thì đình sản nam rất nhanh chỉ 15- 20 phút là xong và chỉ cần nghỉ ngơi 3 ngày là có thể lao động nặng được. Ngoài ra, những phản ứng phụ của đình sản nam rất ít xảy ra so với phụ nữ”. Cũng theo chị Hồng, huyện không đặt nặng chỉ tiêu hay chạy theo thành tích. Tuy nhiên, trong các biện pháp tránh thai như đình sản, đặt vòng, uống thuốc, tiêm thuốc, sử dụng bao cao su… thì đình sản là biện pháp đảm bảo an toàn cao nhất về kế hoạch hóa. Do đó, đình sản luôn được quan tâm vận động nhiều hơn.

Theo Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện, 3 năm qua tỷ lệ đình sản nam ở Châu Thành A rất cao. Tuy nhiên, đa phần nam giới đi đình sản thuộc đối tượng nghèo, đời sống khó khăn. Cũng có trường hợp gặp lúc không làm thuê được nên đi đình sản để có khoảng 2 triệu đồng/ca (tiền hỗ trợ đình sản từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã, ấp…), xoay sở cuộc sống. Một vài nơi còn chạy theo thành tích khiến việc vận động đình sản nam chưa như mong muốn. Đây là những hạn chế cần rút kinh nghiệm.

Giám đốc Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Châu Thành A Nguyễn Thị Hồng lo lắng, chỉ cần một lời đồn không đúng thì công tác vận động đình sản nhiều năm gặp khó ngay. Qua 3 năm vận động đình sản nam đạt tỷ lệ cao, huyện đang kiểm tra lại nhằm phát huy những mặt mạnh và nghiêm túc khắc phục hạn chế. Mục tiêu thực hiện chủ trương kế hoạch hóa nhằm nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo hạnh phúc cho từng gia đình và góp phần nâng cao đời sống người dân…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HUỲNH PHƯỚC LỢI (Sài Gòn giải phóng)
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN