Trả nụ cười cho cậu bé mang khối u khổng lồ trên mặt

Khiếm khuyết ống thần kinh bẩm sinh khiến cậu bé người Philippinescó một khối u khổng lồ ngay trước trán và che khuất tầm nhìn của cậu bé.

Cậu bé Jhonny Lameon (7 tuổi), bị thoát vị não nghiêm trọng (encephalocele) - một khuyết tật ống thần kinh khiến cho hộp sọ không đóng hoàn toàn tạo ra một khe hở, và qua đó các mô não, màng não thò ra vùng giữa trán và không ngừng phát triển. Khối u nặng gần 1,5 kg, phát triển lớn như một quả dưa lưới khiến cậu bé cảm thấy rất khó khăn trong sinh hoạt và bị bạn bè chế giễu. Johnny bị mất thị giác ở mắt trái, mũi cũng bị che mất. Mỗi khi ăn uống, cậu bé sẽ sử dụng một tay để nâng khối u lên.

Trả nụ cười cho cậu bé mang khối u khổng lồ trên mặt - 1

Cậu bé Jhonny Lameon trước khi được phẫu thuật

Được sự giúp đỡ của các tổ chức tình nguyện, tháng 3 vừa qua, Jhonny đã bay sang Úc để làm phẫu thuật tại Bệnh viện Nhi Monash ở Melbourne (Úc). Bốn bác sĩ phẫu thuật tình nguyện phải mất 8 giờ để loại bỏ các khối biến dạng và tái tạo lại toàn bộ khuôn mặt của cậu bé.

“Có người đã gửi cho tôi một tin nhắn trên email với hình ảnh và câu chuyện của Jhonny với khuyết tật khủng khiếp này và ngay lập tức chúng tôi thực sự muốn giúp cậu bé. Vì vậy, ngay lập tức chúng tôi đã huy động tất cả các nguồn lực để mang Jhonny từ Philippines sang Melbourne”, TS Leong - một trong những bác sĩ phẫu thuật cho Jhonny -  cho biết.

Sau đó, nhóm nghiên cứu của Interplast (một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho các nước châu Á Thái Bình Dương) đã đến thăm Jhonny ở Philippines và xác định cậu bé cần phải được phẫu thuật thần kinh và phẫu thuật thẩm mỹ với chế độ chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, ở các quốc gia châu Á không có cơ sở vật chất phù hợp nên Jhonny cùng mẹ phải sang Úc để được phẫu thuật.

Trả nụ cười cho cậu bé mang khối u khổng lồ trên mặt - 2

Cậu bé Jhonny Lameon có khuôn mặt mới

Hiện, Jhonny đang phục hồi dưới sự chăm sóc của bệnh viện nhi Monash trẻ em và một tổ chức từ thiện ở  trang trại phục hồi chức năng trẻ em tại Kilmore, phía bắc Melbourne.

Được biết, tình trạng bệnh khiếm khuyết của Jhonny là khá hiếm chỉ với 1/10.000 trẻ sơ sinh.

Tiến sĩ Leong nói: “Hầu hết các khuyết tật được phát hiện rất sớm nhờ siêu âm, nhưng vì Jhonny sống ở một nơi rất nghèo nên phải gần 7 tuổi mới được phát hiện. Nếu không làm gì, khối u sẽ tiếp tục lớn, có nguy cơ bị nhiễm trùng, và có thể dẫn đến viêm màng não gây tử vong  cho cậu bé”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H. Vũ (Người lao động/ABC News, Heraldsun)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN