Trả lại giới tính thật: Khơi mầm hy vọng

Việc phẫu thuật “sửa” giới tính không chỉ trả cho trẻ một cơ thể bình thường mà còn giúp các em hòa nhập xã hội đúng với giới tính thật của mình.

Sự bất thường ở bộ phận sinh dục trong trường hợp mơ hồ giới tính không đe dọa đến tính mạng nhưng lại gây ra những sang chấn tinh thần, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống và tương lai của bệnh nhi.

Trao trả những cuộc đời

PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, Trưởng Khoa Thận niệu Bệnh viện (BV) Nhi Ðồng 2 (TP HCM), nhớ mãi một ca ông từng gặp cách đây 10 năm, bệnh nhi khi được phẫu thuật để xác định lại là con trai thì đã 13 tuổi. Sau khi phẫu thuật, cha mẹ em phải bán nhà và chuyển con đến học tại một trường khác. Cậu bé kể với BS Sơn: "Có lần, con ra hiệu sách, gặp một người quen, cố tránh đi nhưng bị cô ấy gọi lại và hỏi con có phải anh, em gì của cô bé mà cô ấy quen khi xưa không? Lúc đó, con rất bối rối, đành nói rằng bạn nhận nhầm người và vội bỏ đi…".

Bà Hà Thị Thu Thủy - điều dưỡng trưởng, Khoa Thận niệu BV Nhi Ðồng 2 - cho biết có nhiều trường hợp trẻ khá lớn thì phụ huynh mới phát hiện con có vấn đề về giới tính. Khi đó, ngoài phẫu thuật, BV phải hỗ trợ các em cả về mặt tâm lý bởi cuộc sống sẽ bị xáo trộn rất nhiều. "Tôi từng gặp trường hợp phụ huynh đưa "con trai" vào viện với trạng thái rất hoang mang vì phát hiện cháu... có kinh nguyệt" - bà Thủy kể.

Trả lại giới tính thật: Khơi mầm hy vọng - 1

Một bệnh nhi đang được làm thủ thuật xác định giới tính tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo TS-BS Trương Quang Ðịnh, Phó Giám đốc BV Nhi Ðồng 2, những ca phẫu thuật này không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là một điều hết sức nhân văn vì chỉ một tấm giấy xác nhận với dấu mộc và mấy chữ ký thôi nhưng lại là niềm mong mỏi rất lớn của nhiều bậc sinh thành…

Chị Nguyễn Thanh Lan, nhân viên Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Ðồng 2 - nơi tiếp nhận những bộ hồ sơ xin xác định lại giới tính, hy vọng: "Trước đây, BV cũng phẫu thuật nhưng chưa được phép cấp giấy chứng nhận nên nhiều người gặp khó khăn trong việc xin sửa đổi tên, giới tính cho con. Nay rào cản pháp lý đã không còn, việc phẫu thuật ngày càng được nhiều người biết đến. Chúng tôi mong rằng sẽ có thêm nhiều trẻ được trả lại đời sống bình thường".

Ai được "sửa" giới tính?

Ðến thời điểm này, 3 BV có thẩm quyền can thiệp điều trị, cấp "Giấy chứng nhận y tế đã xác định lại giới tính" cho các trường hợp khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa định hình chính xác là Nhi Ðồng 2, Nhi Trung ương và Việt Ðức (Hà Nội). Ngoài ra, BV Phụ sản Trung ương là cơ sở thứ tư đang trong quá trình thẩm định để được xác định lại giới tính.

Ðây là những cơ sở có điều kiện vật chất, nhân lực đảm nhận được những kỹ thuật chuyên sâu để thực hiện các phẫu thuật can thiệp này. Ðiều này đã mở ra tương lai cho hàng ngàn người không may mắn khi gặp phải những bất thường về giới tính. Chỉ tính riêng BV Nhi Trung ương, hiện đang điều trị cho hơn 700 trường hợp có vấn đề về giới tính.

Theo thống kê, cứ 2.000 đứa trẻ sinh ra thì có 1 trẻ có bộ phận sinh dục không phù hợp với bộ nhiễm sắc thể và cứ 11.000 người thì có 1 người mắc bệnh về giới tính, nghĩa là có khuyết tật về giới tính hoặc giới tính không rõ ràng. Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, khẳng định pháp luật nghiêm cấm can thiệp y học đối với các trường hợp đã hoàn thiện về giới tính. Tuy nhiên, luật cho phép xác định lại giới tính đối với những người có khuyết tật bẩm sinh hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

"Những đứa trẻ như thế, khi sinh ra và lớn lên đã chịu nhiều thiệt thòi nên việc can thiệp về y học để trả lại giới tính thật là rất cần thiết. Xác định giới tính ở đây không có nghĩa là phẫu thuật chuyển giới, chỉ những người có bằng chứng cụ thể về khiếm khuyết gien, bộ phận sinh dục trong và ngoài thì mới được phẫu thuật để trả lại giới tính thật" - ông Quang nhấn mạnh.

Giới chuyên môn khuyến cáo nên phẫu thuật chỉnh sửa những bất thường ở bộ phận sinh dục trước khi trẻ nhận thức được. Vì thế, phải chẩn đoán sớm và đúng để có hướng điều trị cụ thể về giới tính cũng như bổ sung nội tiết đúng và chỉ định mổ tạo thành bộ phận sinh dục phù hợp với giới tính giúp trẻ sau này có cuộc sống tình dục bình thường.

PGS-TS Trần Ngọc Bích - nguyên trưởng Khoa Phẫu thuật nhi BV Việt Ðức, chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực xác định lại giới tính - cho biết trong số hơn 30 bệnh nhân rối loạn phát triển giới tính được BV này phẫu thuật trong 10 năm qua, có những trường hợp chấp nhận sống trong nỗi mặc cảm, ám ảnh hoặc giấu kín thân phận "không giống ai" trong hàng chục năm. "Không phải ai có nhu cầu xác định lại giới tính cũng được chỉ định phẫu thuật. Ðể xác định giới tính của một bệnh nhân, cần thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và khám cận lâm sàng bổ sung.

Phải đánh giá đúng mức độ dị tật ở bộ phận sinh dục ngoài thiên về nam hay nữ. Người bệnh cần làm các xét nghiệm nhiễm sắc thể và gien biệt hóa tinh hoàn để xác định giới tính. Tuy nhiên, thực tế có không ít trường hợp ngoại hình và hình thái bộ phận sinh dục ngoài dễ làm chính bệnh nhân, gia đình và thầy thuốc nhầm lẫn" - PGS-TS Bích nói.

Theo BS Trần Văn Học, Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhi Trung ương, rối loạn phát triển giới tính được định nghĩa là sự bất thường bẩm sinh về tuyến sinh dục (buồng trứng, tinh hoàn), hình thái bộ phận sinh dục ngoài và bất thường về nhiễm sắc thể giới. Thế nhưng, để lựa chọn giới tính cho trẻ, các bác sĩ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ðầu tiên, bảo đảm được khả năng sinh sản của trẻ khi trưởng thành; kế đến, tái tạo chỉnh hình phải giống với giới tính của trẻ và cuối cùng là phù hợp với nguyện vọng của bệnh nhi cũng như gia đình.

Phải lựa chọn khi bị lưỡng tính

Theo PGS-TS-BS Lê Tấn Sơn, trong phẫu thuật xác định lại giới tính, thường gặp nhất là dị tật lỗ tiểu thấp ở bé trai và phì đại âm vật ở bé gái khiến cơ quan sinh dục trông giống như trẻ ở giới tính ngược lại và gây ra nhầm lẫn ban đầu.

Cá biệt là những trường hợp bị lưỡng tính, tức trẻ vừa có tinh hoàn vừa có buồng trứng. Khi đó, bác sĩ phải dựa vào hình dạng bên ngoài và cuộc sống hiện tại để chọn một giới tính cho trẻ. Nếu chọn làm con gái thì sau phẫu thuật, trẻ sẽ có cuộc sống bình thường và có thể làm mẹ. Nhưng nếu đứa trẻ đã sống bấy lâu như một bé trai mà phải chọn làm con trai thì sau này không thể làm cha vì một số bộ phận bên trong của cơ quan sinh dục nam đã thoái hóa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC DUNG - ANH THƯ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN